Dân Việt

Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ của Formosa thế nào?

Ngọc Lương 05/07/2016 14:51 GMT+7
"Việc xem xét cấp giấy nhận đầu tư cho dự án Formosa được tỉnh Hà Tĩnh gửi cho các bộ, ngành trong đó có Bộ KH&CN và chỉ là báo cáo đầu tư, theo thuật ngữ của Luật đầu tư năm 2005, đó là dự án nghiên cứu tiền khả thi. Ở giai đoạn này tất cả mọi thứ còn sơ bộ, chưa có nội dung cụ thể, ngay cả vấn đề về công nghệ" - ông Đỗ Hoài Nam (Bộ KH&CN) cho biết.

Sáng ngày 5.7, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN, báo chí đã đặt câu hỏi: Đối với dự án Formosa việc thẩm định công nghệ được thực hiện thế nào, Bộ KH&CN có tham gia thẩm định không.

Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ (Bộ KH&CN) đã trả lời: Trong quá trình xem xét để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Formosa, Bộ KH&CN đã có ý kiến thẩm định đối với phần công nghệ của dự án nhưng chỉ ở giai đoạn báo cáo đầu tư, nghĩa là dự án tiền khả thi.

img

Buổi họp báo của Bộ KH&CN (ảnh Ngọc Lương).

Theo quy định dự án tiền khả thi phần công nghệ chỉ nêu sơ bộ về lựa chọn phương án công nghệ nên chưa có nội dung phân tích cụ thể. Về dự án Formosa, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn gửi kèm theo báo cáo đầu tư (dự án tiền khả thi) và Bộ KH&CN có công văn ngày 27.5.2008 trả lời UBND tỉnh Hà Tĩnh. "Trên cơ sở hồ sơ của tỉnh Hà Tĩnh nêu, trong văn bản trả lời chúng tôi cũng chỉ nói đây là công nghệ được sử dụng phổ biến đối với các nhà máy luyện thép trên thế giới, đây không phải là công nghệ mới" - ông Nam giải thích.

Trả lời bổ sung, Thứ trưởng Bộ KH&CN  Phạm Công Tạc cho biết, khi dự án Formosa xin ý kiến Bộ KH&CN, lãnh đạo Bộ đã đồng ý, bởi công nghệ của dự án không bị cấm. Còn dự án có gây ô nhiễm môi trường hay không thì đến giai đoạn tiếp theo mới rõ. Cần phải thẩm định dự án đầu tư mới biết đầu vào như nào, đầu ra như nào, kiểm soát môi trường khí thải ra sao, chất thải rắn như nào, tiếng ồn và bụi ra sao.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, sau bước một, dự án đến phần thiết kế cơ sở thì Bộ Công thương theo chức năng quản lý chuyên ngành sẽ duyệt thiết kế đó. "Trong trường hợp này Bộ Công thương có thể mời các cơ quan liên quan để tham gia vào việc phê duyệt. Họ có thể mời hoặc không mời và họ là cơ quan chịu trách nhiệm" - ông Nam nói.

Ông Nam cho biết thêm, trong Luật đầu tư năm 2005 có quy định nhà đầu tư chịu trách nhiệm về công nghệ. So với Luật đầu tư nước ngoài vào VN trước đây có quy định khác đó là trong hồ sơ phải có giải trình cụ thể về công nghệ. Khi xây dựng hợp nhất luật đầu tư trong nước và luật đầu tư nước ngoài thành Luật đầu tư thì phần giải trình công nghệ đã được đơn giản hóa, nội dung công nghệ trong khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ là báo cáo tiền khả thi.