Bà Thoa nhớ lại rằng lúc mới lên Hà Nội, gia đình bà sống tại phố Antoine Bonnet (gần bệnh viện Saint Paul). Vì nằm ở trung tâm thành phố, nên bà thường theo mẹ ra chợ Đồng Xuân và chợ Hôm buôn bán. Chính tại đây, cô thiếu nữ xinh đẹp tên Thoa đã gặp chàng lính Pháp Cabaye trong chiến tranh Đông Dương. “Lúc còn trẻ, mẹ cô vẫn kể nhiều về mối tình của hai ông bà. Bố cô mê mẹ Thoa lắm. Mẹ cô có nụ cười tỏa nắng đẹp vô cùng và là mục tiêu theo đuổi của rất nhiều chàng trai Hà Thành”, con gái bà Thoa, cô Jocelyne cho biết.
Bà Mai Thị Thoa - Bà nội của tiền vệ Yohan Cabaye.
Cũng theo cô Jocelyne, gia đình ông bà ngoại cô lúc đầu cũng không đồng ý để bà Thoa yêu ông Cabaye. “Ông bà ngoại còn muốn mẹ Thoa lấy một thầy giáo ở Hà Nội, nhưng mẹ cô không bằng lòng. Bà nói chỉ muốn làm vợ của bố cô mà thôi”. Nhưng sau khi biết được ý định giải ngũ sớm và trở lại Pháp sinh sống, thì bố mẹ bà Thoa không còn phản đối con gái nữa. Song lúc này, một vấn đề lớn lại được đặt ra, nếu cưới nhau rồi mà bà Thoa theo chồng trở lại Pháp ngay thì không được. Bố mẹ bà không nỡ xa con gái.
Thế rồi 1 năm sau ngày cưới, bà Thoa sinh con đầu lòng (năm 1949). Ông Cabaye thuyết phục được bà theo ông về Pháp sinh sống. “Ông bà ngoại cô biết không thể giữ mẹ Thoa ở Hà Nội lâu hơn được nữa, nên đành để bố mẹ cô về Pháp. Song không lâu sau đó (lúc này đã có thêm một người con), vì chiều vợ, bố cô lại đưa mẹ Thoa trở lại Việt Nam và sinh thêm hai người con nữa”, cô Jocelyne kể lại. Và năm 1954, hai ông bà lại đưa nhau sang Pháp. Lúc này họ đã có 4 người con (sau này sinh thêm 4 người nữa, bố Yohan Cabaye là con thứ năm trong gia đình và ông cũng sinh tới 4 người - PV).
Cũng kể từ đó, do chiến tranh và những yếu tố khách quan, bà Thoa dần mất liên lạc với gia đình tại Việt Nam. Chỉ đến năm 2013 vừa qua, khi đã ở tuổi 83, bà mới lại có dịp trở lại Hà Nội và tìm gặp lại người thân. “Tôi thực sự mãn nguyện khi có được lần trở về nguồn cội cách đây 3 năm”, bà Thoa nhấn mạnh.
Khi được hỏi tại sao bà không dùng luôn tên Pháp là Thoa Cabaye, mà vẫn muốn gắn cả họ Việt của mình (Mai), thì bà cười tươi và nói rằng: “Bà muốn giữ nguyên nguồn gốc của mình để sau này con cháu sẽ nhớ mình vẫn mang dòng dõi Việt”. Có lẽ Việt Nam luôn trong tim bà, nên bà bày trí căn nhà đang ở không khác mấy nhà ở quê hương. Bà Thoa vẫn theo phong tục thờ cúng tổ tiên, vẫn thắp hương hằng ngày để cầu bình yên cho đại gia đình mình.