Dân Việt

Để thử nghiệm "tàu ngầm Hoàng Sa" phải có 6 tàu quây xung quanh

Lương Kết 05/07/2016 16:40 GMT+7
Theo đại diện của Bộ KH&CN, việc thử nghiệm "tàu ngầm Hoàng Sa" của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) hôm chủ nhật ngày 3.7, là thành công bước đầu, cần bước thử tiếp theo là lặn.

Tại buổi họp báo của Bộ KH&CN, phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi: Bộ KH&CN có đánh giá gì về tàu ngầm mang tên Hoàng Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa, sản phẩm này có thể ứng dụng vào cuộc sống ví dụ như là tàu ngầm du lịch hay không, Bộ KH&CN đã có hỗ trợ gì để giúp cho người dân thực hiện ý tưởng sáng tạo?

img

Ngày 3.7, tàu lặn Hoàng Sa của ông đã được thử nghiệm trên biển.

Trả lời câu hỏi trên, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho rằng, trước tiên cần phải dùng đúng thuật ngữ cho sản phẩm của ông Hòa. "Theo Bộ Quốc phòng, sản phẩm của ông Hòa chỉ có thể gọi là tàu lặn hay phương tiện lặn mới chính xác, còn tàu ngầm là sử dụng cho quân sự, trong khi sản phẩm của ông Hòa chưa được coi là tàu quân sự" - ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, sau chỉ đạo của PhóThủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, đặc biệt là Viện kỹ thuật Hải quân để liên phương án thử nghiệm và đánh giá phương tiện lặn của ông Hòa. Vào ngày 3.7 vừa qua, Viện kỹ thuật Hải quân đã tiến hành thử nghiệm tàu lặn của ông Hòa trên biển. Tuy nhiên buổi thử nghiệm này mới chỉ thực hiện ở trạng thái nổi chưa thử nghiệm ở trạng thái chìm. Còn phải thử nghiệm bước thứ hai là lặn.

"Theo đại diện của Viện kỹ thuật Hải quân thông tin cho chúng tôi, hôm thử nghiệm đó do sự đề nghị rất nhiệt tình của ông Hòa nên cơ quan này đã cho tàu thử lặn một lúc, tuy nhiên việc thử này chưa phải là thử theo đúng quy trình do Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt. Dự kiến thời gian tới còn buổi thứ hai nữa để thử nghiệm lặn"- ông Đàm Bạch Dương cho biết.

img

Theo ông Dương, tại buổi thử nghiệm ngày 3.7 vừa qua, bước thử nghiệm chạy trên mặt biển, về cơ bản phương tiện của ông Hòa đã đáp ứng được những yêu cầu của Bộ Tư lệnh Hải quân. "Tuy nhiên quan trọng nhất đối với phương tiện trên là lặn. Chúng ta sẽ đợt bước thử nghiệm thứ hai, khi đó sẽ có kết quả cuối cùng và Bộ Quốc phòng sẽ là đơn vị đưa ra những đánh giá để báo cáo Chính phủ và thông báo với công chúng" - ông Dương nói.

Ông Dương cho biết thêm, theo quy định của Bộ Quốc phòng, phương tiện lặn của ông Hòa phải xây dựng phương án thử nghiệm. Phương án thử nghiệm cũng rất vả vả, cứ hình dung khi mang tàu lặn trên ra biển phải có các phương tiện đi kèm để đảm bảo. "Chúng ta có thể hình dung cần 4 dây xích xích ở 4 góc tàu để trong trường hợp tàu lặn mà không nổi lên được thì trục vớt lên. Theo như trao đổi với bên Viện kỹ thuật Hải quân để thử nghiệm tàu lặn Hoàng Sa của ông Hòa phải có lực lượng gồm 6 chiếc tàu quây xung quanh, chưa kể đến người và các phương tiện đảm bảo khác" - ông Dương cho biết.

Lý giải thêm, ông Dương cho rằng, sở dĩ Bộ KH&CN không thể hỗ trợ thêm cho ông Hòa được nữa vì việc này thuần túy là việc thuộc Bộ Quốc phòng. "Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách khi Bộ Quốc phòng cần thì tìm giúp các chuyên gia thiết kế, chuyên gia về phương tiện lặn, chuyên gia về liên lạc, truyền thông. Đây là khâu mà tàu lặn của ông Hòa rất yếu. Ban đầu phương tiện của ông Hòa thiết kế không hề có phương tiện liên lạc, định vị, như vậy thì bơi trên mặt nước còn trông thấy chứ lặn đi đâu không ai biết"- ông Dương cho hay.