Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn va chạm khiến một tàu chìm và 4 người trong một gia đình tử vong vào chiều 4.7 trên sông Hồng, đoạn qua xã Hồng Lý (Vũ Thư, Thái Bình), theo ghi nhận của Dân Việt, đến thời điểm hiện tại, thi thể nạn nhân Trần Văn Duy (9 tuổi, con trai anh Trần Văn Tuấn, lái tàu) vẫn chưa tìm thấy.
Các lực lượng tham gia tìm kiếm cháu Duy đã tạm dừng lại để nghỉ ngơi và lại bắt đầu công việc ngay sau đó. Rất nhiều người có mặt tại hiện trường cho biết, họ không thể tin rằng cái chết thảm với gia đình anh Tuấn lại xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy.
Ông Lương Đức Lâm (Đồng Thanh, Vũ Thư) khi nghe thấy tin dữ cũng tới nơi để xem xét tình hình. Ông Lâm cho rằng cái chết không thể dễ xảy ra với gia đình anh Tuấn vì theo ông, những người làm nghề sông nước rất giỏi bơi lội và xử lý tình huống rất nhanh.
“Tôi không tin họ lại bị chết một cách dễ dàng như vậy. Cách đây khoảng 10 năm, cũng có một vụ đắm tàu cách chỗ này chừng 4-5km, người chồng đã dùng hai tay ôm các con và cố gắng kéo chúng vào bờ được. Khi quay lại cứu vợ, vì dòng nước quá siết nên anh ta mới phải chấp nhận chịu mất vợ. Ngư dân không dễ bị khuất phục bởi hà bá đâu” – ông Lâm nhận định.
Là người chứng kiến cảnh tượng tàu đá của vợ chồng anh Tuấn từ từ chìm ngay trước mắt mình, anh Trần Văn Bá (1981, Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình) - một ngư dân hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết đến giờ này anh vẫn còn hoảng sợ khi nghĩ lại.
Ngư dân Trần Văn Bá (SN 1981, Hồng Lý, Vũ Thư, Thái Bình) là người chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc trên sông Hồng chiều 4.7.
“Lúc tàu đá của anh Tuấn gặp nạn, vợ chồng tôi vừa đi bắt tôm về. Việc xảy ra cách mũi thuyền của tôi chừng 40m nên tôi chứng kiến gần như toàn bộ sự việc. Chiếc tàu dần dần chìm xuống rồi biến mất giữa làn nước đục ngầu của sông Hồng” – anh Bá kể lại.
Theo lời anh Bá, ngay sau khi chiếc tàu đá bị nạn, anh liền cho thuyền tới địa điểm đó để tìm kiếm cứu nạn. “Tôi chạy tàu đến chỗ tàu chìm xem có ai nhảy ra để cứu nhưng nhìn mãi mà chẳng thấy ai. Hỏi người trên tàu gần đó thì họ bảo có 3 hay 4 người trên tàu lúc tàu chìm. Khi đó tôi thực sự kinh hãi” – ngư dân hơn 20 năm kinh nghiệm nhớ lại.
Ngay sau đó, vợ chồng anh Bá đã trực tiếp tham gia cứu nạn chiếc tàu NB2434. Suốt từ đêm, anh cùng các ngư dân khác liên tục tìm kiếm, rà câu để tìm người bị đắm theo tàu. Thời điểm hiện tại, dù đã khá thấm mệt nhưng anh vẫn chưa từ bỏ công việc.
“Mình làm nghề sông nước, khi người khác gặp nạn, mình chỉ muốn làm phúc giúp họ để cho họ nhanh chóng đoàn tụ với người thân” – ngư dân Bá bộc bạch.
Lý giải cho nguyên nhân dẫn đến cái chết bất ngờ của vợ chồng anh Tuấn cùng 2 con nhỏ, anh Bá cho cho biết có thể có 2 lý do khiến cả gia đình anh Tuấn tử nạn.
Khi tàu bị chìm nhanh, khoang lái sẽ rất thiếu khí. Áp lực nước từ các phía ép chặt vào buồng lái khiến những người bên trong không thể nào thoát ra được. Kể cả anh Tuấn có khỏe đến mấy thì cũng không thể đẩy nổi cánh cửa buồng lái mà thoát được. Nếu có đẩy cánh cửa ra được, nước từ ngoài sẽ ập mạnh vào khiến người bên trong bị thương hoặc ngạt nước.
Ngoài ra, có thể khi tàu chìm, anh Tuấn từ phía ngoài lao vào trong khoang cứu các con nên nước cũng ùa theo vào khoang. Và khi tàu chìm giữa dòng nước đục, kể cả có bơi giỏi đến mấy thì cũng khó lòng xoay sở trong không gian tàu chật hẹp như vậy.
“Làm nghề này không nói trước được, không ai muốn chuyện xấu xảy ra nhưng khi vận hạn đến chẳng biết đâu mà lường” – anh Bá ngậm ngùi thừa nhận.
Phía gia đình nạn nhân đang tìm thêm nhiều phương tiện như tàu câu đến hiện trường để tham gia tìm kiếm nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn. Trời lại mưa lớn, những giọt nước mắt hòa cùng cơn mưa làm đẫm lệ thêm đôi mắt của những người ở lại.
Ngày 5.7, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cùng đoàn đã tới thăm hỏi, động viên và chia buồn với sự mất mát của gia đình người bị nạn trong vụ tai nạn đường thủy trên sông Hồng. Trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ tai nạn tàu thủy khiến 4 người trong một gia đình tử vong và mất tích tại sông Hồng, đoạn qua địa phận xã Hồng Lý (Vũ Thư), ông Phạm Văn Ca – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến người nhà nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đường thủy này. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Ca đã trao số tiền 12 triệu đồng thăm hỏi và động viên gia đình nạn nhân. Tại hiện trường, ông Ca yêu cầu các ngành chức năng phối hợp huy động mọi lực lượng tiếp tục tìm kiếm nạn nhân Trần Văn Duy (con trai anh Tuấn). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đồng thời cũng yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Chiều 5.7, ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn. Ông Thọ cho biết, thông tin ban đầu vụ tai nạn liên quan đến 3 phương tiện. Đó là các tàu NB2434 (bị chìm), tàu NB6913 và một phương tiện thứ 3 chưa rõ biển số. Theo đó, vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi tàu NB2434 đang di chuyển theo hướng Ba Lạt – Hà Nội chở đá hộc đã xảy ra va chạm với phương tiện đi cùng chiều, sau đó bị chiếc tàu NB6913 đâm phải. Chiếc tàu NB2434 do Trần Văn Tuấn lái đã bị đắm ngay sau đó cùng toàn bộ hàng hóa, thiết bị trên tàu làm 3 người chết,1 người mất tích. Vị trí này cách bờ khoảng 100 mét. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ngay lập tức chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc, Đội Thanh tra – An toàn số 4 phối hợp với công ty cổ phần quản lý đường sông số 2 có mặt kịp thời tại hiện trường để nắm bắt tình hình, cùng với các cơ quan chức năng phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cử Đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, thăm hỏi gia đình người bị nạn. |