Đề mở, chấm thi cũng mở
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, thay đổi lớn nhất trong chấm thi năm nay là việc làm tròn điểm ở các bài thi trắc nghiệm. Cụ thể, tổ chấm thi sẽ tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 và làm tròn đến 2 chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm.
“Tức là, Hội đồng chấm thi có thể lấy đến 0,01 điểm. Như vậy, giả sử thí sinh phải được 4,995 điểm mới được làm tròn lên 5 điểm, dưới mức đó kể cả được 4,99 cũng vẫn phải giữ nguyên” – ông Trinh nói.
Chậm nhất ngày 25.7, Bộ GDĐT sẽ công bố kết quả tốt nghiệp. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tại cụm ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: T.L
Ngoài ra, việc phúc khảo bài thi cũng được quy định rõ: Bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo. Nếu thấy có biểu hiện tiêu cực thì xử lý theo quy định. Điểm chính thức của bài thi sau phúc khảo được trưởng ban phúc khảo trình chủ tịch hội đồng thi ký duyệt.
Đối với các bài thi tự luận, đề thi có những câu hỏi vận dụng để đánh giá năng lực của học sinh, yêu cầu học sinh phải có sáng tạo, ngoài việc vận dụng những kiến thức đã học, học sinh còn có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm vào trong bài viết.
“Đề mở như vậy cho nên đáp án thi và việc chấm thi chắc chắn sẽ… mở. Khi xây dựng đáp án mở, không phải đếm ý cho điểm mà hướng dẫn chấm, đáp án gợi ý những nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng mục tiêu câu hỏi. Bộ đã chuẩn bị rất kỹ lực lượng giáo viên chấm thi trong năm vừa rồi” – ông Trinh nói.
Ông Trinh cũng cho biết thêm, đối với những bài thi có ý sáng tạo riêng, hay và đặc sắc, mặc dù quy chế không có quy định nào về điểm thưởng, nhưng trong những trường hợp này hội đồng chấm thi cũng sẽ cân nhắc cho điểm hợp lý để khích lệ thí sinh.
Lo giáo viên địa phương… nhẹ tay
Năm nay ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chủ trì cụm thi tại tỉnh Tây Ninh. Sau khi hoàn thành công tác coi thi, ngay cuối ngày 4.7, trường đã chuyển toàn bộ bài thi về TP.HCM để thực hiện việc cắt phách, chấm thi.
Theo ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo trường, dự kiến ngày 7.7 trường mới bắt đầu công tác chấm thi với khoảng 200 giáo viên phụ trách chấm các môn tự luận.
“Đa số giáo viên chấm thi là của trường và của Sở GDĐT TP.HCM, còn lại khoảng 40% giáo viên là của tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, các tổ trưởng tổ chấm, các trưởng môn chấm, bộ phận thư ký, kiểm tra, bộ phận chấm kiểm tra sẽ do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm đảm trách, các giáo viên tỉnh Tây Ninh chỉ tham gia chấm thi” - ông Sơn cho biết.
“Mỗi bài thi trải qua gần 10 bước chấm, kiểm dò mới ra được kết quả cuối cùng. Sau khi 2 giáo viên chấm xong, thư ký sẽ dò lệch điểm giữa 2 giám thị. Nếu điểm chênh lệch quá nhiều, bài thi sẽ được chấm công khai” Ông Phạm Thái Sơn |
Cũng theo ông Sơn, việc chấm thi năm nay được trải qua 2 vòng chấm độc lập. Giáo viên đầu tiên sẽ ghi trên phiếu chấm. Ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, giáo viên chấm thi không được ghi thêm gì vào bài làm của thí sinh. Sau khi chấm xong lần thứ nhất, ban thư ký rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi bốc thăm cho giáo viên chấm lần thứ hai. Giáo viên chấm lần thứ nhất không được chấm lại túi bài thi vừa chấm lần một. Giáo viên chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh. Sau đó, sẽ có một đội giáo viên khác chấm kiểm tra lại…
Trong khi đó, một số trường chủ trì cụm thi tỉnh lại cho biết vì lo ngại giáo viên địa phương sẽ chấm “ưu ái” cho học sinh tỉnh nhà nên dự kiến sẽ không mời giáo viên tỉnh chấm thi.
Chẳng hạn, ĐH Công nghiệp TP.HCM là đơn vị chủ trì cụm thi ĐH tại Đồng Nai với lượng thí sinh lớn thứ 2 khu vực phía Nam (sau TP.HCM) cũng cho biết sẽ không mời giáo viên Đồng Nai tham gia chấm bài. Đại diện nhà trường cho biết, trường đã gửi công văn cho Sở GDĐT TP.HCM đề nghị giới thiệu khoảng 50% giáo viên chấm bài thi THPT quốc gia, 50% cán bộ chấm thi còn lại là giảng viên nhà trường. Trong trường hợp không có đủ giáo viên từ giới thiệu của sở, trường sẽ trực tiếp mời giáo viên bên ngoài chứ không mời giáo viên Đồng Nai tham gia chấm bài.
Tương tự, ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho biết, toàn bộ cán bộ chấm thi là giảng viên của trường, giáo viên THPT ở TP.HCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng chỉ làm phách bài thi tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận) và đưa bài thi vào TP.HCM để chấm.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường: “Trường đã có công văn gửi Sở GDĐT TP.HCM và Sở GDĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ nhân lực chấm thi là giáo viên các trường THPT trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức và tỉnh Đồng Nai chứ không sử dụng giáo viên của tỉnh Bình Thuận để đảm bảo công bằng…”.
Những mốc thời gian cần lưu ý - Chậm nhất ngày 20.7 hoàn thành chấm thi và báo cáo sơ bộ kết quả, công bố điểm thi sau đó. - Chậm nhất ngày 25.7, Bộ GDĐT công bố kết quả tốt nghiệp. - Chậm nhất ngày 27.7, các trường THPT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả các loại giấy chứng nhận cho thí sinh. - Chậm nhất ngày 30.7, gửi giấy chứng nhận kết quả thi và nhận đơn phúc khảo của thí sinh. - Từ 1 đến 20.8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. |