Dân Việt

Giữa bác sĩ - bệnh nhân còn lắm... hiểu lầm

Diệu Linh 07/07/2016 06:36 GMT+7
Gần đây, Bộ Y tế liên tục có công văn yêu cầu các bệnh viện xử lý các kiến nghị, phàn nàn của bệnh nhân và người nhà về thái độ ứng xử, khám chữa sai sót, chưa chu đáo. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính vẫn do người bệnh thiếu thông tin, bệnh viện lại không giải thích đầy đủ.

Hiểu lầm không đáng có

Mới đây, một người dân đã gửi tâm thư lên fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế vì bức xúc thái độ nhân viên Bệnh viện (BV) Việt Đức khi đưa người thân đến cấp cứu. Nội dung bức thư cho biết, người nhà của anh này bị tai nạn cấp cứu vào đêm 24.6, tuy nhiên quy trình khám bệnh rườm rà, phải chờ đợi lâu, 3-4 bác sĩ chỉ đến hỏi thăm mà không thực hiện cấp cứu, điều trị.

img

Nam hộ sinh chăm sóc một bé trai vừa được mổ đẻ tại Bệnh viện đa khoa Quế Võ (Bắc Ninh).  Ảnh:  Diệu Linh

Sau khi họp khẩn, tìm hiểu thông tin, GS-TS Trịnh Hồng Sơn – Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân trong bức thư nói trên là Nguyễn Mạnh Hoàng (34 tuổi, ở Lĩnh Nam, Thanh Trì, Hà Nội), được đưa vào viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, không liệt, bị xây xát vùng mặt, đau đầu. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não, hàm mặt, X. quang bàn tay phải, X.quang cột sống để loại trừ các thương tổn… 2 giờ sau mới có kết quả chiếu chụp cho thấy chưa có thương tổn sọ não, hàm mặt, chỉ bị tổn thương 2 ngón tay nên các bác sĩ chỉ định bó bột bàn tay và chuyển về BV Thanh Nhàn (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.

Theo GS Sơn, BV Việt Đức là BV ngoại khoa tuyến cuối, thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh rất nặng. Do đó, để đảm bảo tính mạng bệnh nhân, tua trực sau khi thăm khám phải phân loại bệnh nhân nặng – nhẹ để có xử lý phù hợp, ưu tiên người già, yếu, trẻ em… Đương nhiên phân loại phải trên nguyên tắc đảm bảo sức khoẻ, tính mạng cho người bệnh. GS Sơn cho biết, chỉ riêng ngày 24.6, BV đã tiếp nhận 207 bệnh nhân, trong đó có 91 trường hợp cấp cứu do tai nạn, 21 ca rất nặng phải hồi sức đặc biệt như thở máy, bóp bóng, đặt nội khí quản, 13 ca đa chấn thương với các tổn thương phức tạp như chấn thương sọ não, chấn thương vùng bụng kín, chấn thương cột sống. Do đó, bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hoàng chờ đợi là chuyện đương nhiên.

GS Sơn cho biết, đối với trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Hoàng kíp trực đã làm theo đúng chỉ định về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong quá trình chẩn đoán, theo dõi và điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, GS Sơn cho biết, BV cũng cần rút kinh nghiệm và cần nâng cao tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân tốt hơn, cần giải thích cặn kẽ để tránh hiểu lầm cho bệnh nhân và người nhà.

Trước đó, tại BV Nhi T.Ư, 1 ông bố cũng đã làm ầm ĩ, mắng chửi, đánh các bác sĩ vì cho rằng con bị sốt nhưng các bác sĩ lại chậm trễ điều trị. Trên thực tế, sau khi thăm khám nhận thấy cháu bé bị sốt cao nhưng tỉnh táo, không có gì nguy hiểm đến sức khoẻ, lại vừa uống thuốc hạ sốt ở nhà nên các bác sĩ yêu cầu theo dõi tiếp.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều bác sĩ cũng liên tục phàn nàn về việc tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thô bạo, mắng chửi, hành hung các bác sĩ mà không hiểu rõ tình hình, không nghe giải thích, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Người dân cần thấu hiểu

Bà Ngô Thị Thuỳ Dương – Phó Trưởng phòng Điều dưỡng (BV Nội tiết T.Ư) cho biết, chị bị bệnh nhân mắng chửi như cơm bữa. “Chỉ cần chậm đưa thuốc cũng bị mắng, bị đập bàn, bị tố cáo lên cấp trên. Trong nhà có 1 người ốm người thân đã mệt mỏi, đằng này mỗi điều dưỡng phải phục vụ hàng chục bệnh nhân, hàng trăm người nhà mỗi ngày. Điều dưỡng cũng là người nên nhiều khi thực sự rất mệt mỏi, đau lòng” – bà Dương tâm sự.

Đánh giá về mâu thuẫn, hiểu lầm giữa bác sĩ – bệnh nhân, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết, về khách quan, bệnh nhân đau ốm, người nhà sốt ruột do đó ai cũng muốn được điều trị luôn, hết bệnh ngay. Trong khi đó, khám chữa bệnh có quy trình, ưu tiên cấp cứu bệnh nhân nặng, phải xét nghiệm, chiếu chụp để biết rõ bệnh lý, thương tổn mới đưa ra phác đồ điều trị, kê đơn thuốc. Tuy nhiên, người dân ít khi tìm hiểu về quy trình khám bệnh, nên không có thông tin.

“Do đó, để tránh bức xúc, bực bội của người bệnh, BV cần phải cắt cử người giải thích rõ quy trình khám bệnh, các tai biến có thể xảy ra trong quá trình điều trị cho bệnh nhân và người nhà hiểu. Điều này hạn chế rất nhiều rắc rối cho BV khi người nhà vì hiểu lầm mà nóng nảy, thô bạo, thậm chí tấn công, kiện cáo, đòi bồi thường sau này nếu lỡ xảy ra tai biến y khoa. Đáng tiếc, ở Việt Nam việc giải thích này thường do các bác sĩ, điều dưỡng đảm nhiệm, đôi khi vì quá bận rộn mà nói không hết ý, không kiên nhẫn, không chu đáo. Điều này càng gây hiểu lầm là các bác sĩ thờ ơ, coi thường, vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân” – ông Đình Anh phân tích.

Theo PGS – TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các BV cần chú trọng đầu tư vào đội ngũ điều dưỡng và nhân viên y tế đón tiếp người bệnh. Đây là lực lượng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên ứng xử của họ quyết định đến ấn tượng đầu tiên của người dân đối với BV. Điều dưỡng cũng là người “giao lưu” nhiều nhất với bệnh nhân, thực hiện y lệnh, nắm bắt được diễn biến bệnh tật để báo cho bác sĩ. Nếu đội ngũ này không có chuyên môn cao, không có tinh thần phục vụ tốt có thể sẽ để xảy ra các tai biến y khoa không đáng có.

Bệnh nhân mang bệnh, người nhà lo lắng, họ thường có tâm lý mệt mỏi, cáu gắt, hành xử đôi lúc nóng nảy. Do đó, nhân viên y tế phải quán triệt tinh thần phục vụ chuyên nghiệp, không nổi nóng, đôi co nếu có bệnh nhân, người nhà nóng nảy, đòi hỏi vô lý. Nếu có vụ việc không xử lý được thì báo lên cấp trên để có xử lý thích đáng”.

PGS – TS Lương Ngọc Khuê