Mỗi khi dùng tay đập một quả trứng hay sờ vào thịt sống có nghĩa là tay đã bị nhiễm khuẩn. Thường thì mọi người chỉ lau tay vào khăn hoặc rửa qua loa dưới vòi nước. Cách tốt nhất để loại bỏ vi khuẩn là rửa tay bằng xà phòng và nước trong vòng ít nhất 20 giây đồng thời cần làm sạch kẽ tay và móng tay.
Khi chế biến thịt, trứng hay hải sản, cách duy nhất để biết thực phẩm đã được nấu chín tới nhiệt độ an toàn hay chưa là dùng nhiệt kế thực phẩm. Màu sắc không phải là dấu hiệu chứng tỏ thực phẩm chín hay sống, nhất là thịt xay. Các loại thịt xay dù là bò hay heo cần nấu chín tới khi nhiệt độ bên trọng đạt tối thiểu 72 độ C. Thịt gà lại cần nấu tới 74 độ C. Các loại thịt bò, lợn tươi chỉ cần nấu đến 63 độ C nhưng nên để 3 phút trước khi ăn.
Khi cần rã đông thực phẩm, cách dễ nhất mà nhiều người hay thực hiện là lấy thực phẩm khỏi ngăn đông và để ở nhiệt độ phòng hoặc trong chậu rửa. Khi làm cách này, nhiệt độ bề mặt ngoài của thực phẩm có thể bằng nhiệt độ phòng nhưng bên trong thì vẫn đông lạnh và vi khuẩn có thể nhanh chóng tăng sinh. Nên rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng hoặc trong ngăn mát. Hoặc cũng có thể rã đông trong nước lạnh nhưng cần thay nước nửa tiếng một lần. Lưu ý nếu rã đông bằng lò vi sóng thì sau đó cần chế biến ngay.
Nhiễm khuẩn chéo: Khi lấy một miếng thịt nướng ra khỏi lò nướng và để ngay vào một chiếc đĩa, đồ dùng hay thớt đang dùng dở, nhất là thớt đã thái thịt sống là một trong những sai lần khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn dù đã chế biến để tiệt trùng. Chỉ nên dùng đĩa mới và nên có thớt thái đồ sống và đồ chín riêng.
Không được bỏ qua quy tắc 2 tiếng. Đồ ăn còn thừa có thể bị nhiễm khuẩn nếu không được lưu trữ đúng cách. Đối với những đồ dễ hỏng như sữa, thịt chín, trứng chín và đồ đã thái, gọt, cần để vào tủ lạnh sau 2 tiếng. Sau khoảng thời gian này, tốt nhất là không nên ăn lại.