Dân Việt

Lý Liên Kiệt: Tuổi thơ bần hàn và vụ bán xe năm 4 tuổi

Long Hy 08/07/2016 04:55 GMT+7
Cha mất sớm từ năm 2 tuổi, để lại mẹ một mình nuôi 5 con cùng ông bà nội già yếu, Lý Liên Kiệt sớm ý thức được hai chữ "nghèo đói" và muốn kiếm tiền giúp mẹ đỡ vất vả.

19 tuổi vang danh châu Á, lên tầm ông hoàng phim võ thuật thế giới nhưng ở tuổi 53, Lý Liên Kiệt buộc phải xa rời nghiệp diễn vì bệnh tật. Loạt bài viết với chủ đề Lý Liên Kiệt: Huyền thoại phim võ thuật sẽ giúp độc giả tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Lý Liên Kiệt từ khi anh mới lên 2 tuổi đến khi trở thành một ngôi sao võ thuật lừng danh.

Kỳ 1: Tuổi thơ nghèo khó

Ký ức tuổi thơ của Lý Liên Kiệt gắn liền với hai chữ “nghèo đói”, là chuỗi những ngày tháng khốn khó và thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ.

Gia đình tôi nghèo lắm. Khi vừa lên 2 tuổi, cha tôi qua đời vì lao động nặng nhọc. Cả gia đình phải sống nhờ vào 10 NDT (khoảng 33.000 đồng)/tháng cho 5 anh chị em tôi từ tiền trợ cấp của chính phủ. Một mình mẹ nuôi anh chị em tôi khôn lớn nên từ bé, tôi đã biết phải lao động để kiếm tiền giúp mẹ”, Lý Liên Kiệt nhớ lại ngày bé.

img

Mẹ Lý Liên Kiệt (giữa) cùng cùng 4 người anh chị của anh.

Bà Lý ngoài nuôi 5 người con còn phải phụng dưỡng hai thân phụ của chồng đều đã già yếu. 

Khi đó mẹ tôi mạnh mẽ lắm vì chồng vừa mất, bà làm công việc văn phòng giản đơn ở gần Tây Trực môn. Ngày ngày tôi cùng mẹ đi làm, những hôm mưa mẹ cõng tôi trên lưng, cầm tấm ni lông chùm lên người hai mẹ con để về nhà”, Lý Liên Kiệt nhớ về hình ảnh người mẹ khi ông còn bé.

img

Cậu bé Lý Liên Kiệt ngày nhỏ.

Cha mất khi mình còn quá nhỏ, Lý Liên Kiệt sớm cảm nhận được nỗi buồn khi thiếu vắng tình thương yêu của cha. Đây cũng là lý do khi tham gia Thiếu Lâm Tự, bộ phim đầu tay khiến anh cảm thấy ngượng nghịu để thể nói từ “cha” như trong kịch bản. Rút cục, anh đã yêu cầu đạo diễn sửa kịch bản khi thay chữ cha thành chữ “ta” (爹- cũng có nghĩa là cha).

Nhà nghèo, đông con lại cha mẹ già đau yếu, gia cảnh nhà Lý Liên Kiệt càng thêm túng bấn. Thế nhưng, vì Lý Liên Kiệt là con út, lại yếu ớt nhất nên anh được mẹ cưng chiều, không phải làm công việc nặng nhọc. Kể cả tập thể dục hay đi bơi, đạp xe... cũng khiến mẹ Lý lo lắng.

img

Lý Liên Kiệt ao ước có chiếc xe đạp đồ chơi ba bánh.

Lý Liên Kiệt nhớ ngày nhỏ, cậu bé hàng xóm có chiếc xe đạp đồ chơi ba bánh màu xanh khiến cậu ao ước. Thế nhưng, Lý Liên Kiệt không đòi mẹ mua mà nghĩ cách để sở hữu chiếc xe mình thích.

Đợi mẹ đi làm về, cậu bé 4 tuổi họ Lý nhìn lên bàn thờ của cha và nói: “Giá mà cha còn sống nhất định sẽ mua cho con chiếc xe ba bánh cho mà xem”.

img

Lý Liên Kiệt nhớ năm lên 4 anh đã biết bán lại chiếc xe mẹ vừa mua vì quá hối hận.

Lý Liên Kiệt khẳng định, khi đó anh thấy đó là cơ hội duy nhất để có thể đạt được mục đích của mình. Ngay lập tức bà Lý không nhìn con mà sang nhà hàng xóm mượn 10 NDT và mua cho cậu út chiếc xe ba bánh như mong ước.

Tuy nhiên, xe mới mua được hai ngày, chị gái Lý Liên Kiệt nói với cậu em vòi vĩnh: “Em có biết mỗi tháng nhà mình chỉ có 40 NDT (khoảng 133.000 đồng) cho cả 7 người, em đòi mua xe mất 10 NDT rồi khiến mẹ thêm vất vả đấy biết không?”.

img

Lý Liên Kiệt của quá khứ và hiện tại.

Câu nói của chị gái khiến cậu bé Lý Liên Kiệt hối hận. Tuy nhiên, ngay sau đó cậu nhóc nghĩ ra cách “chuộc tội”. Lý Liên Kiệt đợi cô ruột đến nhà chơi để nhờ cô giúp bán chiếc xe ba bánh và trả lại cho mẹ 10 NDT.

Sau khi xe được bán, Lý Liên Kiệt đứng trước di ảnh của cha và thầm hứa: “Từ nay về sau con nhất định không đòi một xu nào của mẹ nữa”. Từ đó, suy nghĩ phải tự kiếm tiền nuôi gia đình bắt đầu nhen nhóm trong đầu của cậu bé Lý Liên Kiệt.  

...................................

Không phải bỗng nhiên Lý Liên Kiệt trở thành huyền thoại võ thuật Trung Hoa. Điều duy nhất mà Lý Liên  Kiệt có thể diễn tả về việc tập luyện từ nhỏ của mình là “cay đắng”, gần như quá sức chịu đựng của một đứa trẻ. Mời độc giả đón đọc chi tiết vào lúc 5h sáng ngày 9.7.