Dân Việt

"Dán cam kết không khiêu dâm ở nhà hàng sẽ giảm được tệ nạn"

Ngọc Hậu 07/07/2016 14:54 GMT+7
Phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động TP HCM) Lê Văn Quý tin rằng các cơ sở kinh doanh nhạy cảm dán cam kết "không khiêu dâm, kích dục" thì tệ nạn sẽ giảm.

- Vì sao Sở Lao động Thương binh - Xã hội lại có chủ trương yêu cầu các cơ sở kinh doanh nhạy cảm dán bản cam kết "không khiêu dâm, kích dục"?

- Trước đây các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ở thành phố đã thực hiện cam kết rồi. Nhưng từ năm 2013 nghị định của Chính phủ thay đổi, có những quy định trong bản cam kết đó không còn phù hợp nên Chi cục tham mưu Sở Lao động Thương binh - Xã hội trình UBND TP chỉnh sửa lại cho phù hợp và yêu cầu họ làm cam kết mới.

Mặt khác, trong thời gian qua, hành vi khiêu dâm, kích dục, mại dâm tại chỗ ở những nơi này có biểu hiện gia tăng, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Phổ biến nhất là tại nhà hàng có tiếp viên nữ ăn mặc hở hang, cà phê đèn mờ, cơ sở y học cổ truyền day ấn huyệt, spa chăm sóc sắc đẹp… Cá biệt, một số ít spa biến tướng có biểu hiện hoạt động mại dâm đồng tính nam.

Chi cục đề xuất lãnh đạo Sở ban hành bản cam kết để ngăn chặn, kéo giảm, không để tình trạng này xảy ra tràn lan. Việc yêu cầu cam kết chỉ thực hiện đối với những cơ sở có yếu tố kinh doanh nhạy cảm.

img

Ông Lê Văn Quý. Ảnh: Ngọc Hậu

- Ông đánh giá tính khả thi của bản cam kết này như thế nào?

- Khả thi hay không là tính trách nhiệm và ý thức của từng đơn vị liên quan, từ đại diện pháp luật của cơ sở kinh doanh đến chính quyền địa phương đã ký trong bản cam kết.

Không thể có chuyện chủ cơ sở kinh doanh có yếu tố nhạy cảm nói "đã ký cam kết rồi thì thôi, còn lại được hay không chưa biết" bởi đã cam kết thì phải thực hiện. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát thường xuyên.

Hiện nay, khi sự việc xảy ra, nhiều đơn vị kinh doanh vi phạm sợ bị phạt nặng theo Nghị định của Chính phủ (doanh nghiệp bị phạt 50 triệu; hộ kinh doanh cá thể là 25 triệu đồng với hành vi khiêu dâm, kích dục) nên thường "đổ thừa" do nhân viên tự làm, còn mình không phải chịu trách nhiệm. Như vậy là không thể chấp nhận được bởi khi đã cam kết là phải kiểm tra, giám sát, nhân viên vi phạm thì chủ phải chịu trách nhiệm. Từ đó, họ quản lý nhân viên tốt hơn, nhằm không để xảy ra việc khiêu dâm, kích dục tại cơ sở.

- Pháp luật nghiêm cấm và có những biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp tổ chức hoạt động khiêu dâm; còn địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát...nhưng không giải quyết được tệ nạn này. Vậy theo ông, đề xuất dán bản cam kết này cần thiết như thế nào?

- Như tôi đã nói, việc này xuất phát từ thực tiễn tình trạng kích dục, khiêu dâm tại những cơ sở kinh doanh nhạy cảm đang tăng lên. Nhiều nơi có biểu hiện trá hình, núp bóng để vi phạm nên nhất thiết phải cam kết. Việc đồng loạt triển khai thực hiện cam kết sẽ khiến chính quyền địa phương các cấp đồng loạt vào cuộc để loại trừ các hành vi vi phạm.

Thực tế, cơ sở kinh doanh loại hình nhạy cảm vi phạm thì cảnh sát khu vực, công an phường hay cán bộ phường đều biết nhưng không xử lý, hoặc thấy nó quá thẩm quyền của mình nên chưa xử lý. Bây giờ, địa phương xác nhận trong bản cam kết thì bắt buộc phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm và doanh nghiệp sẽ ý thức hơn trong việc quản lý của mình.

Tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp, chính quyền địa phương đồng bộ thực hiện theo cam kết thì tình hình khiêu dâm, kích dục và mại dâm tại chỗ sẽ được kéo giảm.

- Nếu doanh nghiệp không cam kết thì sao, thưa ông?

- Trước đây có khoảng 20-30% đơn vị kinh doanh có yếu tố nhạy cảm không chịu cam kết và đa số những trường hợp phát hiện vi phạm đều rơi vào các đơn vị này. Trong các đơn vị cam kết thì có khoảng 60-70% doanh nghiệp chấp hành tốt, còn lại thì đổ thừa nhân viên.

Với những doanh nghiệp cam kết thì mình đặt niềm tin và mức độ kiểm tra sẽ khác. Còn cơ sở nào địa phương đã mời lên phổ biến mà không cam kết sẽ được tổ chức kiểm tra thường xuyên hơn.

Việc ký vào bản cam kết nhằm để họ nâng cao vai trò của người chủ cơ sở, người đại diện pháp luật. Để họ có nghĩa vụ quản lý, giám sát, điều hành không xảy ra tệ nạn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải nâng cao vai trò của mình trong việc tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ đối với những cơ sở này để không phát sinh tình trạng khiêu dâm, kích dục.

- Bản cam kết có xác nhận của địa phương, nếu xảy ra vi phạm ở những cơ sở kinh doanh nhạy cảm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

- Trong kế hoạch về phòng chống mại dâm, nơi nào kiểm tra phát hiện có kích dục, khiêu dâm, mại dâm tại chỗ… thì người đứng đầu địa phương là chủ tịch UBND phường - xã, trưởng công an phường - xã phải chịu trách nhiệm. Đây là tiêu chí xét thi đua khen thưởng và nhân sự ngay trên địa bàn.

Không thể để xuất hiện nhan nhản việc kinh doanh có khiêu dâm, kích dục còn địa phương "chào thua" mà phải có những biện pháp phòng ngừa. Đã ký cam kết thì lãnh đạo địa phương phải tăng cường kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở.