Dân Việt

Khắc phục hậu quả do Formosa gây ra: Hỗ trợ ngư dân xuất ngoại

Thùy Anh 08/07/2016 06:23 GMT+7
Hơn 263.000 lao động thuộc 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường vừa qua đang được hỗ trợ học nghề, tìm việc, trong đó có xuất khẩu lao động.

Xuất khẩu nghề biển “rộng cửa”

Số liệu khảo sát của Bộ LĐTBXH đầu tháng 7 cho thấy, có 263.000 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra tại 4 tỉnh miền Trung vào thời điểm trước đó. Trong đó, có 100.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, 163.000 người bị ảnh hưởng gián tiếp.

Mới đây, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đã nhấn mạnh việc Bộ đang dành những ưu tiên cho các lao động bị ảnh hưởng tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), đặc biệt XKLĐ nghề biển.

img

 Lao động 4 tỉnh chịu thiệt hại sẽ được ưu tiên đi XKLĐ (ảnh: Lao động được kiểm tra trước kỳ thi tiếng Hàn).  ảnh: Minh Nguyệt

Ông Diệp khẳng định, song song với các chương trình XKLĐ lớn như chương trình EPS (năm 2016 có 3.500 chỉ tiêu), chương trình xuất khẩu điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, Bộ cũng sẽ dồn toàn lực để mở rộng, khai thông chương trình XKLĐ nghề cá tại một số trị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, hay thị trường mới là Thái Lan.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho thấy, năm 2016 này, chương trình tàu cá gần bờ ở Hàn Quốc cần khoảng 600 người.

"Bộ LĐTBXH cũng có nghe một số Trưởng Ban lao động, Quản lý lao động tại một số nước báo cáo, tại nhiều nước có chương trình nuôi trồng thủy hải sản, thu nhập khá ổn và chỉ đạo có thể bàn với các đối tác. Mong muốn của Bộ LĐTBXH là không phải chuyển đổi toàn bộ số lao động này sang nghề khác, bởi những người dân ở vùng biển phải sống được từ nguồn lợi từ biển, sinh kế từ biển”. 
Ông Doãn Mậu Diệp –Thứ trưởng Bộ LĐTBXH 

Ông Phạm Viết Hương– Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, hiện chỉ tiêu này đang được phân bổ cho 8 doanh nghiệp XKLĐ. Bộ LĐTBXH cũng đã có yêu cầu gửi 8 doanh nghiệp, để doanh nghiệp tập trung hỗ trợ những lao động có nhu cầu đi XKLĐ ở 4 tỉnh miền Trung.

“Ngoài thị trường XKLĐ nghề cá gần bờ ở Hàn Quốc, có hai chương trình khác được đánh giá là khá tiềm năng, phù hợp và có chi phí rẻ hơn so với thị trường Hàn Quốc là chương trình tàu cá gần bờ Đài Loan và chương trình đánh bắt cá gần bờ của Thái Lan” – ông  Hương nói.

Ông Hương cũng cho biết thêm, hiện Cục đang triển khai tuyển dụng trực tiếp không qua môi giới, không qua doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí cho người lao động. Bộ LĐTBXH và Cục Quản lý lao động cũng sẽ yêu cầu Trưởng ban quản lý tại Đài Loan làm việc với các đối tác tăng quota để đưa lao động sang làm việc với điều kiện người lao động đáp ứng các điều kiện về mặt sức khỏe, có mong muốn đi làm việc tại đó. “Đặc biệt, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đã được ký kết. Phía Thái Lan thông báo cho Việt Nam từ 1.7 sẽ chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam ở nghề cá (đánh bắt gần bờ) và xây dựng trước khi mở rộng sang ngành nghề khác” – ông Nam nói.

Điểm lợi khi lao động làm việc tại Thái Lan là gần, chi phí thấp, phía Bộ Lao động Thái Lan cũng cam kết không có chi phí môi giới. Về phía Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo 6 doanh nghiệp hiện đang làm thí điểm và 4 trung tâm dịch vụ việc làm (Trung tâm Lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTBXH), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình hạn chế chi phí thấp nhất với điều kiện người lao động mong muốn tham gia.

Gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu 

Đây có thể là thông tin đáng mừng nhất với lao động đang có nhu cầu đi XKLĐ ở thị trường Hàn Quốc với cả hai chương trình là chương trình EPS và chương trình tàu cá gần bờ. Như vậy, một số huyện tuy có số lao động cư trú bất hợp pháp cao, đang bị tạm dừng XKLĐ sẽ được “thông thương” trở lại. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là các huyện này nằm trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường làm cá chết thuộc 4 tỉnh miền Trung.

Nếu đối chiếu với lệnh cấm trước đó của Bộ LĐTBXH, dành cho 15 tỉnh có tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp cao nhất thì chỉ có 2 trong số 4 tỉnh trên là Hà Tĩnh, Quảng Bình được hưởng lợi từ quyết định này.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cho hay, mặc dù đã nghe nói,  nhưng vì chưa có quyết định của Bộ trưởng nên tỉnh vẫn chưa thể triển khai được. Hiện tỉnh này còn hơn 700 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trước đó, một số huyện như: Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh cũng bị cấm XKLĐ sang Hàn Quốc do có đông lao động bỏ trốn.

Ông Lê Nhật Tân – Phó Giám đốc Công ty Nguồn nhân lực LOD – đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm làm XKLĐ thuyền viên, nghề cá ở các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan cho rằng: “Đây là tín hiệu vui với ngư dân các tỉnh chịu thiệt hại. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, Bộ LĐTBXH cần sớm có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp”. Ông Tân cũng cho biết, công ty chưa nhận được công văn nào từ phía Bộ về việc này. Ngay khi phía Bộ có công văn hướng dẫn, công ty sẽ triển khai.

Trong khi đó, đại diện từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sẽ phải mất một thời gian nữa để Cục lên kế hoạch cụ thể về việc dỡ bỏ lệnh cấm. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định: “Việc dỡ bỏ hay không còn phụ thuộc vào tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở các huyện này về nước. Việc này sẽ được thực hiện linh hoạt, và sẽ được quyết định trước khi lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn”.