Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tư pháp, một trong những điểm mới của dự án Luật TNBTCNN là “Cải cách mạnh mẽ trình tự thủ tục giải quyết bồi thường oan sai theo nguyên tắc dân sự, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc giải quyết bồi thường".
Người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén (trái) dù đã được minh oan nhưng vẫn chưa thống nhất và nhận được tiền bồi thường. ảnh: I.T
Cụ thể, về phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung các trường hợp thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như: Buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống để phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 (nghĩa là công chức giữ chức tổng cục trưởng trở xuống bị buộc thôi việc sai sẽ được bồi thường); bổ sung bồi thường cho trường hợp người bị bắt, bị giữ trong các trường hợp khẩn cấp, pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Về công tác bồi thường nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý 69 vụ việc, trong đó có 17 vụ việc mới, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Đã giải quyết xong 15/69 vụ việc. Số tiền phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là hơn 8,7 tỷ đồng, giảm gần 5,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. |
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, thời gian qua một số vụ án đòi bồi thường oan sai mà thời gian giải quyết lâu là quy trình dài, phải qua nhiều tầng nấc trung gian, chính vì thế dự luật lần này đã quy định thêm và lượng hóa một số thiệt hại được bồi thường mà Luật TNBTCNN hiện hành chưa quy định để đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Bên cạnh đó, dự luật còn quy định thời hạn trong các thủ tục giải quyết bồi thường tại tòa án và các cơ quan giải quyết bồi thường.
Dự luật cũng quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm kỷ luật và tăng mức hoàn trả để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo tính răn đe và hạn chế tiêu cực đến hoạt động công vụ bình thường của cán bộ, công chức. Bổ sung quy định về việc xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại...
Phóng viên NTNN/Dân Việt đặt câu hỏi: Dự luật có cần bổ sung quy định bồi thường thiệt hại cả cho người nhà, người thân của người bị tù oan khi họ bỏ thời gian, công sức, mất việc làm, thu nhập... trong thời gian phải đi kêu oan cho người ở trong tù?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết: Dự án Luật TNBTCNN được sửa đổi 45 điều, bổ sung 50 điều, chỉ giữ lại 5 điều.
Thông tư liên tịch số 05 ngày 2.11.2012, liên bộ đã hướng dẫn về thực hiện bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đã quy định việc bồi thường những chi phí mà thân nhân của người ở tù đã bỏ ra thuê luật sư, ăn ở đi lại... trong quá trình tham gia tố tụng để có được kết quả khẳng định người ở tù oan.
“Như vậy về mặt thực tiễn quy định đã có, khi thi hành không có gì vướng. Còn trong dự thảo luật, một trong những thiệt hại được bổ sung, chúng tôi quy định gọi là các chi phí khác, vì đó không phải là thiệt hại, đó là chi phí mà người bị thiệt hại phải bỏ ra để có được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường" - ông Hưng cho biết.