Dân Việt

Kon Tum: Giả danh du khách để trộm gỗ trắc

03/08/2011 17:01 GMT+7
(Dân Việt) - Giá gỗ trắc lên tới hàng trăm nghìn đồng/kg đã khiến rừng đặc dụng Đăk Uy (Kon Tum) trở thành địa bàn săn lùng của lâm tặc. Chúng tổ chức thành nhóm nhiều người, trang bị hung khí sẵn sàng chống trả kiểm lâm...

Nằm kề bên trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), rừng đặc dụng Đăc Uy có diện tích 659,5 ha với nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là gỗ trắc thân to. Chỉ cần bước vào rừng là gặp ngay những cây trắc vài vòng ôm…

Rừng từng ngày chảy máu

Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (BQL) cho biết: Chỉ từ đầu mùa khô đến nay họ đã bắt giữ 70 vụ khai thác gỗ trái phép, thu giữ gần hơn 31m3 gỗ trắc, trong đó có 15 vụ bắt được đối tượng khai thác còn hầu hết các vụ việc khác đều vô chủ.

img
Những gốc cây trắc bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chỉ là một phần nhỏ so với số gỗ đã bị lâm tặc trộm trót lọt và vận chuyển ra khỏi rừng. Một đầu nậu gỗ cho biết: Gỗ trắc thành phẩm loại đẹp, giá khoảng 400.000 đồng/kg. Với 1m3 gỗ trắc lỏi có khối lượng chừng 1,4 tấn, nếu vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng là lâm tặc có trong tay hơn nửa tỷ đồng...

Trước đây, lâm tặc ngang nhiên hạ cây nên kiểm lâm rất dễ phát hiện. Bây giờ hoạt động trộm gỗ trắc đã tinh vi hơn nhiều. Lâm tặc tiến hành “điều nghiên” kỹ giờ giấc đi tuần, cắt cử người gác báo hiệu khi có lực lượng kiểm lâm đi tuần tra. Đặc biệt gần đây đã xuất hiện thủ đoạn trộm gỗ rất mới: Chỉ cưa khoảng 2/3 thân cây rồi nhờ gió làm cây tự đổ để tránh lực lượng kiểm lâm phát hiện bởi tiếng động. Hoặc tinh vi hơn, chúng dùng palăng, dây xích như để hạ cây từ từ nhằm không gây tiếng ồn...

Để đưa được thiết bị vào rừng, ban ngày lâm tặc đóng giả khách du lịch vào tham quan rừng đặc dụng rồi lợi dụng đêm tối để hành nghề. Bằng những thủ đoạn này, nhiều vụ trộm gỗ trắc của lâm tặc đã diễn ra trót lọt… Chúng tôi một vòng quanh rừng, thấy la liệt. Những gốc cây trắc hàng trăm tuổi, chu vi vài người ôm.

Lâm tặc mạnh hơn kiểm lâm

Nạn chặt trộm gỗ trắc ở rừng đặc dụng Đăk Uy đã nóng đến mức buộc kiểm lâm ở đây phải “3 cùng” với rừng. Nhưng với 17 con người, trong đó biên chế văn phòng BQL đã hết 7 người, còn lại 10 người với 2 con chó, trong khi trên địa bàn rừng có dân 5 thôn của hai xã Đăk Mar và Đăk HRing sinh sống với hàng trăm lối mòn len lỏi. Những lúc nông nhàn, người dân cũng trở thành “lâm tặc”. Dân sống tự do ở các vùng gần rừng cũng lập nên hàng chục băng nhóm trộm cắp gỗ trắc, khiến kiểm lâm không thể canh giữ xuể…

Anh Đặng Đình Sâm - kiểm lâm Trạm 1 BQL rừng đặc dụng Đăk Uy cho biết: “Công việc của chúng tôi hầu như không kể đêm ngày. Chỉ nghe tiếng động lạ trong rừng là đi kiểm tra nhưng lực lượng mỏng, mỗi phiên tuần tra chỉ có 2 người nên lâm tặc cũng coi thường.

Để đưa được thiết bị vào rừng, ban ngày lâm tặc đóng giả khách du lịch vào tham quan rừng đặc dụng rồi lợi dụng đêm tối để hành nghề. Bằng những thủ đoạn này, nhiều vụ trộm gỗ trắc của lâm tặc đã diễn ra trót lọt…

Theo anh Sâm, gần đây hoạt động của càng hung hãn. Khi hành sự chúng mang theo dao, mã tấu dài cả mét. Ngày 18.3.2011, chúng còn ngang nhiên tấn công vào cả văn phòng BQL. Mới đây nhất ngày 11.7, 2 kiểm lâm Nguyễn Anh Quyết và Nguyễn Xuân Quang, khi phát hiện khoảng 10 tên lâm tặc định tổ chức bắt giữ liền bị chúng chúng tấn công gây thương tích. Anh Quyết bị thương vào mắt, thương tật vĩnh viễn 21%.

Theo ông Lê Văn Dũng Trưởng BQL rừng đặc dụng Đăk Uy, sở dĩ lâm tặc “nhờn thuốc” là bỡi chế tài không đủ mạnh và bất hợp lý. Chỉ khởi tố hình sự khi lâm tặc đốn từ 5m3 trở lên, phạt từ 100- 200 triệu đồng đối với hành vi chặt trộm từ 2 đến dưới 5m3. Với giá hơn nửa tỷ đồng/m3 gỗ trắc thì chuyện phạt 100-200 triệu đồng là “muỗi”. Chỉ làm trót lọt một vụ cũng đủ ăn cả năm nên “nhà nhà, người người làm lâm tặc” cũng là chuyện dễ hiểu.