Còn rau, từ 4.000 - 5.000 đồng/mớ rau muống. Thứ rau xưa vẫn rẻ đã có mức độ tăng kỷ lục 20% chỉ sau quãng thời gian 3 ngày của cơn bão số 3, (chưa kể những cái đỉnh giá 15.000 đồng/mớ vào ngày bão). Chuyện giá tăng sau bão không lạ, có tiền lệ nhiều năm rồi.
Thế mà chỉ 11 ngày trước, TTXVN dẫn lời các quan chức tuyên bố rằng "Thực phẩm sẽ giảm giá 10-15%".
Ngành nông nghiệp có hẳn một Cục Chăn nuôi lo việc đảm bảo nguồn cung. Bộ Tài chính có hẳn một Cục Quản lý giá, chịu trách nhiệm về việc tăng giảm giá cả thị trường. Ngành công thương có quản lý thị trường. Rồi thì các đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM mỗi năm bỏ không dưới 700 tỷ đồng để thực hiện "bình ổn giá". Không biết hôm nay những bộ, cục, ngành đó bận gì mà không ra chợ xem đời sống dân tình cơ cực thế nào.
Còn nhớ ngay hôm khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, chỉ vài hôm trước bão, trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thật thà: "Vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm". Hồi đầu năm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng than thở: "Vợ tôi bảo cầm 100 nghìn đi chợ, chẳng mua được gì".
Còn ông Phan Văn Khải hồi đương nhiệm Thủ tướng đã có lần phát biểu rằng: Tiền lương của chúng ta chỉ đủ nuôi người lao động 10-15 ngày. Phát biểu của người đứng đầu Chính phủ lúc đó bao hàm hai thực tế: Đồng lương quá thấp, trong khi giá cả quá cao. Và quan trọng hơn, giá trị đồng tiền đang hàng ngày bị hạ thấp. Nhưng từ đó đến giờ, tình hình không khá hơn khi mà việc tăng lương hàng năm không đủ bù lạm phát và sự mất giá tiền đồng.
Đến giờ, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lại khuyên: Ăn uống phải chặt chẽ hơn, tất cả các thứ phải thắt chặt hơn.
Điệp khúc “thắt lưng, buộc bụng” đã được xướng lên từ năm 2008, khi lạm phát lập kỷ lục. Và tới giờ, cũng vẫn vậy.
Không biết sau bão thì giá còn tăng vì cái gì nữa khi mà lạm phát đang ngày càng thít chặt vào đời sống người nghèo, những người không có thu nhập gì khác ngoài đồng lương nhà nước. Điệp khúc “thắt lưng, buộc bụng” sẽ còn tồn tại đến bao giờ?
Anh Đào