Pháp bất ngờ nhập cuộc nhanh, hay, nhưng Đức nhanh chóng lấy lại thế trận, và tiếp tục khẳng định vị thế của đội bóng cửa trên khi áp đặt thế trận. Nhiều cơ hội được tạo ra, cả từ những sai lầm ở tuyến giữa của đội chủ nhà. Nhưng không một lần thành công. Và vận may đã đến với người Pháp vào phút bù giờ của hiệp 1, khi trọng tài Rizzoli cho rằng đội trưởng Bastian Schweinsteiger đã để bóng chạm tay, và “báu vật” Antoine Griezmann dễ dàng đánh lừa thủ thành Neuer mở tỉ số trận đấu, mở ra bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cục diện.
Pháp đã có một chiến thắng tuyệt vời trước Đức.
Một tình huống gây tranh cãi, khiến cả huấn luyện viên Joachim Loew và các cầu thủ Đức ấm ức. Đặc biệt là đội trưởng Scheweinsteiger, bởi đây là trận đấu thứ 38 của anh trong màu áo đội tuyển tại các kỳ Euro và World Cup – một kỷ lục mới, vượt qua tiền đạo Miroslav Klose (37 trận), hơn cả huyền thoại Lothar Mattheaus (36 trận)…
Tệ hại hơn, ở phút 61, Jerome Boateng bị chấn thương phải rời sân. Mất cả bộ đôi trung vệ thép (Mats Hummels bị treo giò), hàng thủ chắc chắn của Đức đã mắc những sai lầm tệ hại. Phút 72, lại một sai lầm, hậu vệ Joshua Kimmich khống chế bóng dài bị mất ngay trong vòng cấm địa để tiền vệ Paul Pogba cướp được rồi xử lý tinh tế, căng ngang cắt mặt khung thành khiến thủ môn Neuer đấm bóng không tốt. Và “báu vật” Griezmann nhanh như cắt đạp bóng bằng chân trái, qua háng người gác đền của đội tuyển Đức, ấn định tỷ số 2-0 của trận đấu, đưa Pháp vào chung kết gặp Bồ Đào Nha. Đây đã là bàn thắng thứ 6 của Griezmann tại vòng chung kết Euro 2016, là lần thứ hai anh được bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
“Báu vật” Griezmann ăn mừng bàn thắng cho Pháp.
Dẫu Đức khống chế bóng nhiều hơn (65% so với 35%), sút cầu môn nhiều hơn (17 so với 15), tạo được nhiều cơ hội hơn, nhưng không một lần thành công, bởi đội hình chắp vá, những người thay thế 4 trụ cột (thêm Khedira và Gomez bị chấn thương) đã không thể lấp đầy khoảng trống để lại. Họ ấm ức, tức tưởi dừng bước, khi chơi hay hơn đối thủ. Nhưng với Pháp, dẫu chiến thắng có bị hoài nghi đi nữa, họ cũng hào hứng, mừng vui vì trút được nỗi ám ảnh Đức đè nặng suốt bấy nay.
16 năm trước, huấn luyện viên Didier Deschamps là đội trưởng đội tuyển Pháp vô địch Euro 2000-lần vô địch gần nhất của Les Bleus. 16 năm sau, ông là “thuyền trưởng” của đội chủ nhà, tràn trề hy vọng lên ngôi, bởi đối thủ là Bồ Đào Nha chỉ riêng có siêu sao Cristian Ronaldo thực sự đáng ngại. Sau trận thắng lịch sử, chính Deschamps bộc lộ rằng: “3 ngày nữa Pháp sẽ thi đấu chung kết. Tôi đang vui sướng tới phát điên và sẽ điên rồ hơn nữa nếu thắng trong trận chung kết”.
Nỗi buồn của các tuyển thủ Đức.
Có một điều khá thú vị, với cả 2 đội dự chung kết, từ những con số thống kê khô khan, ấy là chu kỳ 12 năm lên ngôi cho một đội bóng không được đánh giá là ứng cử viên (Đan Mạch năm 1992 và Hy Lạp năm 2004, lần này hy vọng là Bồ Đào Nha); còn với riêng Pháp, có thể là chu kỳ 16 năm, bởi trước Euro 2000, họ đã lên ngôi ở năm 1984 với sự tỏa sáng của bộ tứ huyền thoại, nổi bật là Michel Platini.
Chu kỳ kỳ lạ chắc chắn sẽ xảy ra, 12 năm hay 16 năm rồi sẽ có kết quả. Nhưng đó là khi trận chung kết khép lại. Còn bây giờ, thầy trò huấn luyện viên Deschamps buộc phải giữ đôi chân trên mặt đất, bởi trận cuối cùng mới là trận quan trọng nhất, quyết định thành-bại của cả giải đấu. Nhưng các cổ động viên thì không, họ cần được thỏa thuê hò hét, ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Đức, thoát được nỗi ám ảnh đè nặng bấy lâu. Hơn thế, họ còn chứng tỏ được sức mạnh vượt qua đau thương lớn nhường nào sau hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu trong năm 2015, nhất là tại Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, sân vận động quốc gia Stade de France, nhà hát Bataclan…
Một kỳ EURO thành công sẽ giúp người Pháp tạm quên đi những ký ức đau thương về khủng bố.
Trước những sự đe dọa từ khủng bố, những đau thương mất mát không gì bù đắp, nước Pháp cần được xoa dịu bằng một kỳ Euro tổ chức thành công, bằng một chức vô địch xứng đáng vào rạng sáng 11.7, ở chính sân Stade de France…