Muốn làm ăn trên ngư trường của chính mình
Ngày 8.7, trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều ngư dân Quảng Trị bày tỏ chưa quan tâm, mặn mà với đề án xuất khẩu lao động, chuyển đổi ngành nghề mà Bộ LĐTBXH đề ra. Tiếp chúng tôi trong tiếng thở dài ngao ngán, ngư dân Trần Đình Phước (khu phố 8, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cho hay, gần 3 tháng nay anh neo con tàu làm nghề giã cào nằm bờ, vừa xót xa vừa buồn. Theo anh Phước, việc đi xuất khẩu lao động đối với anh là không thể, vì hiện anh có 2 đứa con thơ dại, vợ thường xuyên ốm đau cần được chăm sóc. “Tôi mong được hỗ trợ vay vốn đóng tàu lớn hơn để vươn khơi ngoài 20 hải lý, chứ còn đi xuất khẩu lao động mấy năm liền thì vợ con ở nhà ai lo khi trái gió trở trời. Hơn nữa giờ tôi ôm cục nợ 500 triệu đồng tiền mua tàu rồi thì lấy tiền đâu mà đi xuất khẩu lao động” – anh Phước nói.
Ngư dân Quảng Trị buồn rầu vì không thể ra khơi gần 3 tháng nay do Formosa gây ra hiện tượng cá chết tại miền Trung. ảnh: L.K
Ngư dân Bùi Đình Khải (xã Gio Hải, Gio Linh) cũng cho rằng, bao đời nay gắn bó với nghề biển, giờ lên bờ làm nghề phụ hồ, đẩy xe kéo… còn luống cuống chứ nói gì đến tay nghề cao đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước như Nhật, Hàn. “Chúng tôi muốn nhà nước cho vay tiền, đóng tàu lớn vươn khơi xa, vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia gìn giữ chủ quyền”. Anh Khải cho biết, mấy tháng nay, gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn vì không thể làm nghề biển gần bờ. “Chúng tôi nhớ biển, nhớ con cá con tôm lắm, mong được ra khơi thôi, không muốn xuất khẩu nước ngoài nước trong gì hết” anh Khải nói.
Người dân gửi kiến nghị về việc làm lên huyện |
Nỗi niềm của anh Khải cũng là của nhiều ngư dân ở Hà Tĩnh. Chiều 8.7, ngư dân Chu Văn Thanh ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, chia sẻ: Người dân xã Kỳ Lợi hàng trăm năm nay làm nghề đi biển. Là xã bãi ngang, ngư dân còn khó khăn nên chỉ đầu tư được tàu đánh bắt gần bờ, chủ yếu thu các loại cá mu, cá trích và câu mực. Bây giờ vùng biển ven bờ bị ô nhiễm nặng nề, không đánh bắt được hải sản, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
Về đề án mà Bộ LĐTBXH đưa ra, ông Thanh thẳng thắn nói: “Tôi thấy có gì đó chưa ổn lắm vì không phải ai cũng đi xuất khẩu lao động được. Ở Kỳ Lợi ngư dân tuổi trên 40 như tôi nhiều lắm, nhưng nói hỗ trợ đi xuất khẩu lao động chắc chẳng ai nhận nữa. Kể cả những người còn trẻ nằm trong độ tuổi có thể đi xuất khẩu lao động thì thời gian làm thủ tục hồ sơ, học hành cả năm trời mới đi được, trong quãng thời gian đó lấy chi sống đây, chưa kể họ đang phải nuôi vợ con nữa”.
Theo ông Thanh, Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay tiền, hỗ trợ lãi suất đóng tàu lớn hơn để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Không có gì ngoài việc ra khơi bám biển- đây mới là kế sách lâu dài của ngư dân.
Chị Đinh Thị Phương ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh cũng tỏ ra lo âu: “Ngư dân chúng tôi cả đời đi biển, nay chuyển đổi nghề thì biết sang làm gì, trong khi đất sản xuất không có. Còn đi xuất khẩu lao động như tôi bây giờ đã 38 tuổi rồi có nước nào nhận nữa không?”.
Chính quyền cũng lo
Ông Lê Phúc Thiện – Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị thì cho rằng, việc đi xuất khẩu lao động là giải pháp không mấy khả thi đối với người dân Quảng Trị. Bởi vì, người dân Quảng Trị không đủ tiền để đi những nước như Hàn, Nhật, và tay nghề của họ cũng không đủ để đáp ứng yêu cầu. Theo ông Thiện, bà con ngư dân mong muốn được đào tạo nghề tại chỗ để sản xuất tại địa phương chứ không muốn đi xuất khẩu lao động. Lý do bởi hiện nay giải quyết việc làm cho các ngư dân lứa tuổi đã có gia đình là quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này vướng bận nhiều thứ như gia đình, vợ con... nên khó đi xuất khẩu lao động được. “Với đề án xuất khẩu lao động này có lẽ chỉ hợp với lớp thanh niên. Nhưng việc giải quyết cho lao động thanh niên hiện nay chưa cấp thiết, bởi thanh niên không đi làm nơi này thì có thể đi nơi khác, những cũng phải hỗ trợ tiền, vay vốn mới đi được” – ông Thiện nói.
Ông Phan Văn Linh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì cần hỗ trợ chi phí học tiếng, đi lại, ăn ở, khám sức khỏe… Đặc biệt phải có chính sách cho vay không lãi hoặc lãi suất rất thấp để người dân đóng tiền xuất ngoại. Chi phí đi Nhật Bản hiện nay là 150-170 triệu đồng/người, ngoài ra còn phải đóng 100 triệu đồng tiền ký quỹ. Đó là số tiền quá lớn đối với ngư dân nghèo.
Cho rằng việc ngư dân chuyển đổi nghề không phải đơn giản vì đất sản xuất không có nữa, còn xuất khẩu lao động không phải ngư dân nào cũng đi được vì còn phụ thuộc vào tuổi tác, trình độ…, ông Lê Xuân Vượng- Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh kiến nghị giải pháp là Chính phủ hỗ trợ người dân một phần lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, làm dịch vụ hầu cần nghề cá, miễn, giảm thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ hải sản... Đặc biệt, cần ưu tiên các xã ven biển có một chính sách riêng vay vốn hỗ trợ đóng tàu như Nghị định số 67 để phát triển đội tàu đánh cá xa bờ.
Bà Nguyễn Thị Duyên-Trưởng phòng LĐTBXH thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã đang rà soát tổng thể các hộ bị ảnh hưởng để có chính sách hỗ trợ trước mắt tiếp theo. “Còn việc hỗ trợ về xuất khẩu lao động thì Phòng đang chờ văn bản chỉ đạo từ Sở LĐTBXH và tỉnh chuyển về. Việc này không phải đơn giản vì còn tùy vào nhiều yếu tố, đối tượng…” - bà Duyên bày tỏ quan điểm. /.