Ở Đà Nẵng, nhắc tới các tác giả viết kịch không chuyên nhưng hoạt động năng nổ và hiệu quả, ai cũng tấm tắc ngợi khen 2 ông nông dân Nguyễn Hữu Mai (xã Hòa Liên, huyện Hoà Vang) và Trần Nhật Bằng (xã Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ).
Nghệ sĩ... chõng tre
Quần ống cao ống thấp, ông Nguyễn Hữu Mai (59 tuổi) ngồi chồm hổm bên chiếc chõng tre tỉ mỉ đan vạt giường. Nhìn ông, ít ai nghĩ đây là một “kịch tác gia”. Thế nhưng, thực tế là lâu nay khách mua chõng tre của ông cũng đông như khách đến nhờ ông viết và dàn dựng kịch sân khấu vậy.
Cái chõng tre - đồ dùng mà con người ta ở phần đời nào cũng phải nhờ đến này, đã giúp ông Mai nuôi sống gia đình với 4 đứa con. Ông bám cái nghề này đã hơn nửa cuộc đời. Tuy nhiên, cái nghề mà ông “sướng” nhất, được mọi người biết đến nhất, là “nghề” viết kịch bản dân ca, đã tự nhiên “ám” vào ông hai chục năm nay.
Ông Mai với công việc kiếm sống thường ngày, nuôi dưỡng hồn nghệ sĩ. |
Sau năm 1975, ông Mai là cán bộ văn hóa - thông tin tại địa phương, lúc này, những làn điệu dân ca Khu V đã thấm vào máu thịt ông, “cựa quậy” hoài trong ông. Để rồi 15 năm sau (năm 1990), khi ông đang tận lực đan lát làm chõng tre thì cảm hứng sáng tác văn nghệ trỗi dậy.
Ông cóp nhặt những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống mà mình chứng kiến, viết nên những tiểu phẩm, chen vào đó là vài làn điệu dân ca xứ sở mà ông yêu mến và ít nhiều có hiểu biết nhờ cái thời làm “văn nghệ thông tin” xã mấy chục năm trước. Những tiểu phẩm của ông được đem ra thi thố với xóm, thôn, xã mỗi khi địa phương có tổ chức văn nghệ, và rất được bà con nông dân đón nhận, vỗ tay rần rần.
Mạnh dạn, tự tin hơn, ông bắt đầu viết kịch ngắn, kịch dài, viết theo “đơn đặt hàng” của bà con, của cơ quan, địa phương mỗi lần có liên hoan văn nghệ. Càng viết, ông càng lên tay. Từ những năm 1990 đến nay, ông Mai đã viết không dưới 100 kịch bản dân ca. Những tiểu phẩm, kịch của ông viết đều có nội dung tuyên truyền, cổ động các phong trào kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em, phòng chống ma túy - AIDS, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng...
Không chỉ viết cho địa phương, ông còn viết cho các đơn vị dự thi các giải thành phố và cả khu vực, gần đây nhất, ông viết “thuê” cho Trung đoàn Vận tải 683 để tham gia Chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” trên VTV3. Không ít tác phẩm của ông đã đoạt giải, được phát sóng toàn quốc, đặc biệt nhất là được nông dân trong huyện yêu thích, thuộc lòng.
Lời ca giúp vợ chồng đoàn tụ
Ông Trần Nhật Bằng (sinh năm 1940) mê xem hát từ nhỏ. Nông dân nghèo như ông chủ yếu là đi nghe “hát hiến” (hát không thu tiền). Trong xóm, mỗi khi nhà nào có chuyện vui thì hay mời đoàn dân ca, hát bội đến hát và “mở cửa” cho dân trong xóm đến nghe. Thuở nhỏ, ông Bằng không bỏ sót một buổi “hát hiến” nào như thế. Nhờ vậy mà ông thuộc làu nhiều bài hát. Đam mê hát hò quá, ban ngày quần quật với ruộng đồng, tối về ông tập tành đặt lời dân ca.
Ông đặt lời rất nhiều bài ca, nhưng nổi tiếng hơn cả là “Hạt lúa Hòa Châu”. Tại Hội diễn Dân ca - Kịch toàn quốc năm 1982, bài dân ca này rất được khen ngợi, được chọn diễn cho Tổng Bí thư Lê Duẩn xem khi ông về thăm Hòa Châu. Từ thành công này, ông Bằng mạnh dạn sáng tác hàng loạt bài dân ca khác rất được công chúng yêu thích, như “Đằng sau một đám tang”, “Cơm sôi bớt lửa”, “Một nhà hai ý”, “Trăng chờ”, “Chợ 176”, “Như áng mây qua”...
Cách đây không lâu, ông Bằng biết có trường hợp một phụ nữ bị chồng ruồng bỏ và bỏ nhà ra đi để lại chị cùng con dại sống vất vả, ngày ngày chị bồng con đứng trông chồng về. Ông đặt một bài ca nói về hoàn cảnh của chị, trong đó có câu: “Chiều chiều ra đứng sân ga/Nghe xe lửa hú ngỡ cha mình về”. Người phụ nữ đã viết một bức thư cho chồng kèm theo trong đó là lời ca này. Không biết có phải vì cảm động lời ca hay không mà sau đó, người chồng trở về, đoàn tụ cùng vợ con.
Vũ Vân Anh