Dân Việt

Vẫn cần một điểm tựa

03/08/2011 06:40 GMT+7
(Dân Việt) - Các lớp dạy nghề cho nông dân không phải đều thành công, hiệu quả tốt. Không ít nông dân không thể làm được nghề từ những gì đã học. Nguyên nhân chính, được nhiều người lý giải, là do họ vẫn chưa có được một điểm tựa vững chắc sau học nghề.

Học miệt mài, làm chưa hăng say

Tháng 11.2010, xã nông thôn mới Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) được hỗ trợ mở 5 lớp dạy nghề miễn phí trong nông nghiệp cho nông dân. Gần 1 năm sau ngày khai giảng, 4/5 lớp dạy nghề nông nghiệp đã kết thúc. Riêng lớp trồng hoa cây cảnh vẫn còn “vật vã” mà chưa xong.

Giải thích cho điều này, bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thụy Hương (đơn vị trực tiếp quản lý lớp học) cho hay: “Tuy được khai giảng từ trong năm 2010, nhưng do chị em không có thời gian, cộng với đó là hạn chế trong việc chuyển giao kinh phí, do vậy lớp học luôn bị gián đoạn”.

img
Việc sản xuất rau sạch vẫn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và yếu tố tự nhiên (ảnh chụp tại xã Thụy Hương, Chương Mỹ).

Nhìn mấy luống cúc đang chết dần vì bị ngập mưa, nắng đốt, chị Nguyễn Thị Hiền rầu rĩ: “Vì chị em bận quá, mà lớp thì chưa có kinh phí nên dù đã khai giảng từ tháng 11, nhưng mãi đến tháng 3 chúng tôi mới đi học. Học nghề thì phải vừa học, vừa làm, ai dè thời tiết không thuận lợi nên mấy luống hoa cúc cứ chết dần chết mòn”.

Tâm lý đua nhau đi học để mong kiếm chút kiến thức về hỗ trợ sản xuất đang trở thành phong trào ở Thụy Hương. Thế mới có chuyện, có chị nông dân đăng ký học cả 3-4 lớp, các kiến thức trồng rau xanh thì nói vanh vách nhưng vẫn chưa thể hành nghề thuần thục, càng không thể làm giàu từ chính nghề mình đã được học là như thế. Đằng sau sự học miệt mài ấy, không ít người đã phải đầu hàng vì không thể áp dụng sản xuất theo cơ chế thị trường được.

Khó khăn vì “3 không”

Đó là những gì mà PV NTNN ghi nhận được khi về thăm lại các học viên sau khi đã tham gia lớp học dạy nghề nông nghiệp ở Thụy Hương. Theo đó, hầu hết các học viên sau học nghề đều cho rằng: Vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm là những vấn đề gây nhiều khó khăn khiến nông dân không yên tâm sản xuất.

Chị Trịnh Thị Dĩnh - học viên tốt nghiệp lớp trồng rau sạch, cho biết: “Cái khó của việc học nghề không phải là bà con không tiếp thu được kiến thức, không hào hứng đi học mà chính là sau học, người nông dân vẫn chưa có một điểm tựa để vươn lên sống bằng nghề, làm giàu từ nghề đã được học”.

Dẫn giải cho điều này, bà Dĩnh cho hay, cuối năm 2010, hai thôn Trúc Đồng 1 và Trúc Đồng 2 được hỗ trợ mở 3 lớp dạy nghề trồng rau, trong đó có 2 lớp theo Đề án dạy nghề cho nông dân, còn 1 lớp do Công ty TNHH Tôn Kim mở. Cả 3 lớp học đã kết thúc, thế nhưng vì vốn không, đất ít mà bà con vẫn làm nghề theo kiểu “được chăng hay chớ”.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, để nông dân có việc làm bền vững phải huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các bộ có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…

Hiện nay, không riêng gì bà Dĩnh mà hàng trăm hộ nông dân sau đào tạo vẫn bị động không thể tự xây dựng một mô hình về sản xuất rau sạch. Tất cả vẫn đang ngồi và chờ thời tiết thuận lợi, hoặc có sự trợ giúp về vốn thì mới bắt tay vào sản xuất.

Ông Nguyễn Duy Miện - Chủ nhiệm HTX Thụy Hương bày tỏ: “Nông nghiệp không giống với những ngành khác, việc sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Muốn giảm thiểu tác động của tự nhiên thì cần phải có tiền để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Biết thế nhưng việc bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây nhà kính trồng hoa, hay trồng rau sạch trái vụ đối với nông dân còn khó hơn đi lên trời”.

Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Ngà, để nông dân làm được nghề thì dạy nghề cho nông dân chưa đủ, còn phải tạo các điều kiện về vốn, hạ tầng để họ làm được nghề, và điều đó cần sự chung tay của nhiều ngành như ngân hàng, thuỷ lợi, và phải có điều hành chung của UBND các địa phương để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển kinh tế.