Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, sau 3 tháng tiếp nhận (từ ngày 25.3 đến ngày 25.6) đường dây nóng đã nhận được 13.320 tin. Những tin này sẽ được phân từ cấp độ 1 đến cấp độ 5.
Cụ thể tin cấp độ 1 (điện thoại viên trực tiếp hướng dẫn, giải đáp) 6.760 tin; tin cấp độ 2 (những vụ việc phát sinh trong đời sống người dân) 4.980 tin; tin cấp độ 3 (những nội dung thành phố đã có chỉ đạo, các đơn vị thực hiện chậm, chưa đạt hiệu quả) 1.000 tin; tin cấp độ 4 (người dân muốn gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố) 350 tin; tin cấp độ 5 (người dân hiến kế xây dựng thành phố) 230 tin.
Nội dung những phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư như: lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh gây mất trật tự công cộng, xây dựng nhà trái phép, sai phép, kinh doanh gây tiếng ồn, sản xuất gây ô nhiễm… ảnh hưởng nhà xung quanh, các tranh chấp về nhà đất chưa được chính quyền xử lý triệt để…
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM thì nội dung tin người dân phản ánh qua đường dây nóng đa số liên quan đến vấn đề dân sinh.
Người đứng đầu Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, cách thức xử lý tin phản ánh của người dân., ở cấp độ 1 thì điện thoại viên trực tiếp trả lời. Ban Tiếp công dân đã chuyển xử lý 4.980 tin cấp độ 2 đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các sở ngành, đồng thời gửi Chánh văn phòng các cơ quan, đơn vị. Tin cấp độ 3, Phòng Tổng hợp Kế hoạch - Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố rà soát, chuyển xử lý 350 tin đến các ban Đảng của Thành ủy, các phòng nghiên cứu tổng hợp của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để tham mưu xử lý qua phần mềm Đường dây nóng; chuyển xử lý 485 tin (thực chất là tin thuộc cấp độ 2) đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các sở ngành, đồng thời gửi Chánh văn phòng các cơ quan, đơn vị. Tin cấp độ 4: Điện thoại viên, Ban Tiếp công dân hướng dẫn gần 350 lượt người dân viết đơn trình bày nội dung cần gặp trực tiếp Lãnh đạo gửi về Văn phòng Thành ủy hoặc Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, đề xuất. Tin cấp độ 5: Phòng Tổng hợp Kế hoạch - Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp nhận 230 tin để nghiên cứu, thẩm định, đề xuất với các hiến kế có giá trị.
Sau khi có kết quả xử lý bộ phận xử lý gọi điện thoại trực tiếp thông báo đến người dân, tổ chức phản ánh hoặc đưa lên cổng thông tin điện tử của UBND TP.
Ông Đinh La Thăng trong lần đi thị sát nhà máy xử lý rác thải bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường tại huyện Hóc Môn.
“Trong 5 cấp độ tin nhắn thì tin cấp độ 2 được xử lý với nhiều nhất 2.580/4.980 tin, còn 2.400 tin chưa phản hồi. Việc phản ánh tin cấp độ 2 có ý nghĩa quan trọng vì đó là những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của người dân, tổ chức cần được quan tâm xem xét, giải quyết ngay. Có những thông tin phản ánh có thể trả lời nhanh (những vấn đề, vụ việc mới như phát sinh như: xây dựng không phép, kinh doanh lấn chiếm lề đường, vỉa hè, sản xuất kinh doanh gây tiếng ồn, thái độ của cán bộ công chức tiếp dân” - ông Hoan nói.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM lấy ví dụ như người dân ở quận Thủ Đức phản ánh quán ăn kinh doanh có tình trạng để xe lấn lòng lề đường. Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức đã chỉ đạo kiểm tra, tổ chức lực lượng nhắc nhở các hộ không kinh doanh và sẽ tiến hành xử lý nếu xảy ra vi phạm.
Hay như người dân phản ánh tại Quận 8 khu vực phố ăn trên đường Hưng Phú hằng ngày mở nhạc rất lớn từ 15h - 22h làm ảnh hưởng dân cư sinh sống xung quanh. Ủy ban nhân dân Quận 8 đã chỉ đạo kiểm tra đột xuất, tiến hành lập biên bản làm việc với nội dung như người dân phản ảnh, đề nghị khắc phục ngay việc mở nhạc làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh và yêu cầu cam kết không mở nhạc; giao Ủy ban nhân dân Phường 8 tiếp tục theo dõi, sẽ tiến hành xử phạt theo quy định pháp luật nếu có tái phạm.
Bên cạnh những thông tin có thể xử lý ngay thì cũng có thông tin cần thời gian cần thời gian xác minh, rà soát, xử lý cho phù hợp những vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo, những việc phức tạp liên quan đến đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, qua công tác xác minh, rà soát của bộ phận xử lý ở cơ sở, có khoảng 500 tin (tỷ lệ 20%) thuộc các trường hợp nội dung thông tin chưa hoặc không đúng thực tế.