Khánh kiệt vì khoan giếng
Từ đầu năm đến nay, vợ chồng chị Đào Thị Trinh (thôn 12, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) đã bỏ tiền khoan đến hơn 20 cái giếng. Khi chúng tôi đến, dù đang là giữa mùa mưa nhưng nhà chị Trinh tiếp tục khoan giếng tìm nước. Chị bảo: “Đây đã là cái giếng thứ 22 nhưng vẫn chưa tìm thấy nước”.
Bỏ hàng trăm triệu đồng để khoan giếng nhưng thứ mà ông Vũ Mạnh Phú (thôn 7, xã Nam Dong) tìm được chủ yếu là đá. Ảnh: D.H
Theo đánh giá, việc đua nhau khoan giếng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm. Ông Trần Văn Thiện - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp nước và đầu tư xây dựng Đăk Lăk nói: “Theo đúng quy chuẩn, giếng khoan phải cách nhau 1km. Nơi mạch nước mạnh có thể cách nhau 500m. Việc khoan giếng ồ ạt, tự phát sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn mạch nước ngầm”. |
Chị Trinh có khu rẫy rộng 2ha, trước đây chủ yếu trồng mì. Năm ngoái, chị cắt nửa rẫy đầu tư trồng tiêu. Một đống tiền “ươm” xuống đất nhưng lại gặp ngay lúc trời khan nước, vườn tiêu của chị Trinh đứng trước nguy cơ chết khô. Rẫy xa nguồn nước, không còn cách nào khác chị Trinh phải thuê người khoan giếng.
Trước khi mũi khoan chạm xuống mặt đất, để cầu may mắn, chị Trinh còn phải mua đồ lễ, thuê “thầy” về cúng bái. Nhưng cho đến khi vét đến đồng tiền cuối cùng có được “ném” theo mũi khoan, thứ mà chị Trinh nhận lại được chỉ là... đá đen.
22 cái giếng với hàng trăm mét khoan, mỗi mét khoan giá trung bình 500.000 đồng, tính cả những chi phí khác nữa, chị Trinh đã tiêu tốn khoản tiền hơn 200 triệu đồng. Số tiền đó đã khiến người nông dân nghèo này trở nên khánh kiệt.
“Giờ chẳng còn vay đâu được tiền để khoan giếng nữa, đành phải dừng lại đã. Khi nào có tiền thì tôi vẫn phải tiếp tục khoan chứ không thể để vườn tiêu chết khô được”- chị Trinh nói.
Cũng như chị Trinh, kinh tế của gia đình anh Vũ Mạnh Phú (thôn 7, xã Nam Dong) cũng “yếu” đi vì khoan giếng. Chỉ trong vòng 5 tháng, anh Vũ đã phải mất hơn 240 triệu đồng để khoan 15 cái giếng. Nhưng dù chấp nhận khoan xuống đến hơn 100m, thứ mà anh Phú nhận được cũng chỉ là những cục đá đen hình trụ nhẵn thín. “Trong 15 chiếc giếng đã khoan chỉ có 3 cái là có được ít nước mạch còn lại chỉ thấy đá. Vốn liếng ném hết xuống đó rồi, kinh tế gia đình giờ yếu lắm, chắc phải dừng việc này lại thôi”- anh Phú than thở.
Lo khoan giếng chống hạn cho năm sau
Ở Nam Dong, không chỉ có anh Phú, chị Trinh, mà hiện nay, mặc dù là mùa mưa nhưng người dân ở đây vẫn đua nhau khoan giếng. Hỏi ra mới biết, nguyên do của việc này xuất phát từ nỗi ám ảnh mang tên “hạn hán” xuất hiện liên tục trong mấy năm gần đây.
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu như gia đình nào ở đây cũng đều đã có 3-5 chiếc giếng. Song chừng đó vẫn chưa “đủ lực” để đối mặt với hạn nên người dân đã chủ động khoan thêm giếng để sẵn sàng “chiến” với cơn hạn năm tới.
Cũng như ở Nam Dong, sau cơn đại hạn vừa rồi, người dân xã Tâm Thắng (Cư Jút, Đăk Nông) cũng đang ồ ạt khoan giếng. Tại thôn Ea Pô của xã này, dù nằm sát sông Sêrêpôk, nhưng theo thống kê hiện có khoảng 90% hộ dân dùng giếng khoan. Và dù giữa mùa mưa, nhưng số lượng giếng khoan vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày.
Bà H’Du- người dân tại đây nói: “Cả tuần nay già đã bỏ hơn 30 triệu đồng thuê người khoan giếng nhưng vẫn chưa tìm được nước. Giờ phải tranh thủ khoan để nếu năm sau có hạn còn xoay xở kịp chứ không thì khổ lắm. Năm nay, hạn hán nặng quá trở tay không kịp, vườn cà phê cháy hết”.
Ông Y’Minh - Trưởng thôn Ea Pô cũng cho biết, gia đình ông phải cắm sổ đỏ để lấy tiền khoan giếng. “Đợt hạn vừa rồi, ở thôn này người khát, cây chết, nhà nhà đua nhau khoan giếng nên tìm thợ khoan rất khó khăn. Do đó, để sẵn sàng đối phó với hạn, ngay từ bây giờ phải tìm nước thôi”.
Không chỉ ở Cư Jut mà hiện ở nhiều địa phương như TP.Buôn Ma Thuột, huyện Krông Búk, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng (của tỉnh Đăk Lăk) và một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt hạn vừa qua ở Tây Nguyên, người dân cũng đang tranh thủ khoan giếng để sẵn sàng chống hạn.