Thiệt hại lớn do mưa bão
Ông Hoàng Văn Chân, 62 tuổi ở thôn Pắc Moòng, xã Quảng Lạc (TP.Lạng Sơn) là hộ từng bị thiệt hại lớn do thiên tai năm 2013. “Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ lũ ở thượng nguồn đổ về ngập hết đồng ruộng, ngập tới ngang cửa sổ nhà tôi. Hoa màu mất hết, các thiết bị điện cũng bị hư hỏng. Cũng may đã được tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn nên tôi ngắt điện kịp thời, gia đình mới không bị nguy hiểm” - ông Chân kể.
Điện lực Lạng Sơn tuyên truyền, đảm bảo an toàn điện tại gia đình ông Hoàng Văn Chân ở thôn Pắc Moòng xã Quảng Lạc (TP. Lạng Sơn). Ảnh: T.X
EVNNPC xác định phòng là chính nên công tác rà soát, kiểm tra hệ thống trạm biến áp, lưới điện, hệ thống thông tin, nhà xưởng... được thực hiện ngay từ những ngày đầu năm. Đặc biệt, chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Ông Hồ Tuấn |
Ông Phạm Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết, những năm gần đây cứ tới mùa mưa bão là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuyên xảy ra gió lốc, lũ cục bộ tại một số điểm, ảnh hưởng tới công tác vận hành, cung cấp điện và gây thiệt hại đến tài sản quản lý của đơn vị.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Lạng Sơn, trong năm 2013, mưa lũ của 3 cơn bão số 5, 6, và số 14 đã gây sạt lở đất, gãy đổ 2 vị trí cột trung thế và 216 vị trí cột hạ thế các loại; đứt 4.000m dây trung thế, 4.800m dây hạ thế… ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tới năm 2014, ảnh hưởng của 2 cơn bão số 2 và số 3 (tháng 7 và 9) gây cháy hỏng 3 máy biến áp phân phối, sạt lở 12 vị trí cột trung thế, gãy đổ 161 cột bê tông hạ thế và hơn 1.000 công tơ 1 pha bị hư hỏng, ước thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Mới nhất, trong mùa mưa bão năm 2015, Lạng Sơn cũng bị ảnh hưởng của 2 cơn bão số 1 và số 9 (tháng 7, 9) gây sạt lở đất, phải di chuyển một trạm biến áp phân phối, gãy đổ và sạt lở 8 vị trí cột trung thế, 32 cột bê tông hạ thế, đứt 570m dây trung thế… thiệt hại 600 triệu đồng.
Theo EVNNPC, chỉ trong 6 tháng đầu năm, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại lớn đến lưới điện của các đơn vị thành viên của EVNNPC.
Phòng là chính
Ông Phạm Minh Tuấn cho biết, do Lạng Sơn có địa hình miền núi dàn trải, đường dây phải đi qua nhiều vùng núi non hiểm trở nên có rất nhiều vị trí có thể gây nguy hiểm và mất an toàn đến quản lý vận hành lưới điện. “Vì vậy những năm qua, Công ty Điện lực Lạng Sơn đã hết sức chú trọng đến công tác phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo vận hành an toàn, giảm nhẹ thiệt hại cho người và thiết bị, phục vụ đắc lực mọi nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống của nhân dân trong tỉnh” - ông Phạm Minh Tuấn nói.
Ông Hồ Tuấn – Phó Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, những năm gần đây, tác động bất lợi của thời tiết tới sự an toàn của ngành điện ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn và khó lường hơn. “Mỗi năm diễn biến thời tiết lại có sự khác nhau nên công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được ngành điện quan tâm ngay từ những ngày đầu tiên. Hiện nay, công tác này ngày càng được quan tâm và thực hiện kỹ lưỡng, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp của thời tiết, khắc phục hậu quả và giảm thiểu thiệt hại tối đa là mục tiêu của ngành điện” - ông Tuấn chia sẻ.
EVNNPC cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các kế hoạch và yêu cầu diễn tập công tác PCLB TKCN. Tính đến nay 100% các đơn vị trực thuộc EVNNPC đã tổ chức diễn tập PCLB TKCN năm 2016.
Công tác kiểm tra đường dây trạm biến áp cũng đạt 100%, trong đó chú trọng việc phát hiện các khiếm khuyết trên lưới, tăng cường công tác sửa chữa, và đảm bảo các thiết bị thay thế khi có thiệt hại xảy ra.