Mất môi vì làm đẹp
Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra làm rõ về vụ việc một nữ bệnh nhân bị hoại tử môi sau khi làm đẹp tại một spa tại ngõ Vạn Kiếp (Hoàn Kiếm). Theo đó, bệnh nhân N.T.H (23 tuổi, quê ở Quảng Ninh, sống tại Hà Nội) đã đến spa này để tiêm chất làm đầy nhằm làm môi đầy đặn, căng bóng vào cuối tháng 4.2016. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, môi chị H bắt đầu xuất hiện nhiều biến chứng như nứt môi, sưng phồng, chảy dịch, sốt cao. Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) đã phải rạch môi, lấy từ đó nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy và điều trị kháng sinh liều cao để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh nhân đã kháng kháng sinh nên việc điều trị không hiệu quả, các bác sĩ đã phải cắt bỏ phần môi bị hoại tử.
Một ca phẫu thuật tạo hình tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba. Diệu Linh
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội), các spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường (matxa, đắp mặt…) chứ không được thực hiện dịch vụ tiêm chất làm đầy (filler). Chỉ có các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viện mới được thực hiện kỹ thuật này, người thực hiện kỹ thuật tiêm filler cũng phải có chứng chỉ hành nghề được Bộ Y tế cấp phép, chất filler được tiêm cho khách hàng cũng phải là sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Bà Hà cảnh báo chị em muốn làm đẹp phải tìm hiểu xem cơ sở đó có được cấp phép các dịch vụ đó không, chất tiêm vào người có đảm bảo chất lượng hay không.
Coi chừng chất filler rởm
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, BV Việt Nam - Cuba cho biết, trong thẩm mỹ, filler là một chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng. Filler được đưa vào dưới da, thẩm thấu nước làm phồng thể tích ở các chỗ được tiêm, do đó sẽ làm căng da mặt, da mắt, xoá nếp nhăn, mọng môi, làm mũi tẹt thành mũi cao, cằm tròn thành cằm dài… Do khả năng có thể “hoà quyện” được vào cơ thể nên tạo hình khi dùng filler khá tự nhiên, được nhiều người ưa thích. Chất này cũng được khá nhiều người sử dụng để tạo hình ngực lớn hơn. Bác sĩ Thái cũng nhấn mạnh, trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm filler trôi nổi, hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá thành rẻ, do đó được một số cơ sở làm đẹp dù không được phép thực hiện dịch vụ này vẫn mua về tiêm cho khách hàng. Nguy cơ biến chứng từ các chất filler trôi nổi này rất lớn. Thậm chí có cả collagen làm từ da trâu (keo da trâu) cũng được sử dụng tiêm cho người trong khi các sản phẩm này không đảm bảo tiệt trùng, dễ gây nhiễm trùng. “Các chất filler rởm, keo da trâu khi đưa vào cơ thể có thể nhanh chóng bị đông cứng, vón cục chứ không từ từ hấp thụ nước và căng lên như chất filler xịn. Khi bị đông cứng, các chất này sẽ tạo thành các u xơ, gây méo vẹo lồi lõm “kỳ cục” ở các vùng bị tiêm. Thậm chí có thể gây dị ứng, viêm nhiễm, bội nhiễm, biến chứng hoại tử” – bác sĩ Thái cho biết.
Khi đưa một chất lạ vào cơ thể thì dù là chất filler xịn cũng sẽ có một tỷ lệ nhỏ bị phản ứng, dị ứng. Do đó, chị em nên đảm bảo làm đẹp ở các cơ sở y tế, thẩm mỹ viện được cấp phép, không nên ham giá rẻ mà rước hoạ. Đồng thời, khi thấy vùng cơ thể đã tiêm filler bị đau nhức, sưng tấy quá mức, cần đến cơ sở y tế khám để xử lý”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái |