Dân Việt

Tàu cá Việt Nam bị đâm chìm: Tường trình đặc biệt từ Hoàng Sa

Công Xuân – Nam Cường 11/07/2016 06:15 GMT+7
Như Báo điện tử Dân Việt của Báo NTNN đã liên tục đưa tin, hôm qua (10.7), tàu QNg 90479 đã bị 4 tàu hải cảnh Trung Quốc vây ráp, đẩy đuổi và đâm chìm ngay tại vùng biển Hoàng Sa. Nhưng đối diện với khó khăn, ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa – ngư trường của Việt Nam vẫn tỏ rõ sự kiên cường, quyết tâm bám biển.

Chiều qua, PV báo NTNN đã có mặt tại nơi ở của những nạn nhân vụ đâm tàu, nghe kể về những lời tường trình đặc biệt qua ICOM, về những lời kể kinh hoàng của các nhân chứng vụ đâm chìm tàu…

Muốn yên ổn mà không được

img

Tàu cá Việt Nam một lần bị truy đuổi.  Ảnh: Nam Cường

Chiều ngày 10.7, tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trúc (SN 1953, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) người trực đài ICOM của khu vực này kể: "Vào khoảng 10 giờ 45 phút ngày 9.7, ngay sau khi nghe bà Nguyễn Thị Năng (SN 1965), hớt hải chạy đến báo tin tàu cá của chồng là ông Lựu đang gặp nạn tại Hoàng Sa, tôi đã vội vàng đến trạm, mở máy ICOM và nối được liên lạc với thuyền trưởng Khanh, người đánh cá cùng khu vực với chủ tàu Lựu".

Anh Trúc kể, qua liên lạc, ông Khanh cho biết chiếc tàu của mình và tàu cá mang số hiệu QNg 90479, do ông Võ Văn Lựu (SN 1966), ở cùng thôn làm thuyển trưởng kiêm chủ tàu, đã bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 rượt đuổi từ lúc khoảng 8 giờ, đến thời điểm này vẫn chưa buông tha. Cùng với lời động viên, anh Trúc dặn dò cứ tiếp tục mở máy liên lạc, đến khi nào người phía Trung Quốc áp sát và lên được tàu thì mới tắt máy.

Đến khoảng 14 giờ cùng ngày (9.7), cùng với thông báo đã chạy thoát được, ông Khanh cho biết: Tàu ông Lựu do tăng hết tốc để chạy quá nhiều giờ, nên máy nóng đã dừng lại và bị tông đang chìm. Ông Trúc kể: "Nghe vậy tôi đã liên tục động viên chủ tàu Khanh tìm mọi cách quay lại để cứu các thuyền viên trên tàu cá bị nạn. Theo lời chủ tàu Khanh, hiện vị trí tàu mình đang đứng cách tàu bị nạn hơn 1 hải lý. Nhưng do 2 chiếc tàu Trung Quốc vẫn đậu gần sát tàu cá bị nạn nên không dám vào". "Mãi đến gần chiều tối cùng ngày, thuyền trưởng Khanh gọi báo tàu Trung Quốc vừa đi nên đã chạy đến và cứu được tất cả 5 người trên cá bị nạn. Lúc đó tôi nhìn đồng hồ là khoảng 18 giờ 40 phút” - ông Trúc nhớ lại.

Theo lời thuyền trưởng Khanh báo qua ICOM, lúc đầu khi đến cứu vớt, thấy sức khỏe thuyền trưởng Lựu không tốt nên định cho tàu trở về đất liền. Tuy nhiên, sau đó thuyền trưởng Lựu đã khỏe lại, trong khi sản lượng cá khai thác quá ít nên thuyền trưởng Khanh cho biết sẽ tiếp tục ở lại đánh cá, khi nào vào sẽ báo sau, ông Trúc cung cấp thêm.

img

"Nghề đi biển là nghề truyền thống của bao đời cha ông chúng tôi, mình là lớp hậu sinh phải có trách nhiệm giữ nghề, giữ biển đảo quê hương để không hổ thẹn trước vong linh ông bà tổ tiên”.

Ông Dương Minh Thạnh

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B và các thuyền viên những ngày ở Hoàng Sa.   Ảnh: Nam Cường

Kiên quyết ra khơi, bảo vệ ngư trường

Chiều qua (10.7), trao đổi với PV NTNN, thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B (tàu ĐNa 90039 – Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, qua báo chí đã biết được vụ đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi mà thủ phạm là tàu hải cảnh Trung Quốc. “Ngày một hung hăng, ngư dân giờ ra Hoàng Sa ngày nào nơm nớp ngày đó” – thuyền trưởng Văn Còn B nói.

Trong những ngày nóng bỏng tháng 5.2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp hạ đặt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu ĐNa 90039 vẫn kiên cường ra khơi, trực chỉ tọa độ nóng để đánh bắt, khẳng định chủ quyền. Cùng có mặt trên con tàu này, PV báo NTNN chứng kiến sự anh dũng và gan dạ của hàng chục đội tàu ngư dân miền Trung. Những ngày đó, suốt thời gian lênh đênh trên biển, hàng chục tàu cá giả dạng, hải cảnh, hải giám Trung Quốc liên tục đâm va, húc… và cuối cùng là đâm chìm tàu ĐNa 90152. Tuyệt nhiên, không ai run sợ. “Hai năm rồi, vùng biển Hoàng Sa ngày càng bị họ truy đuổi gắt gao”.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B, đợt này, có nghe thông tin phía Trung Quốc cấm biển tập trận, và quả thật họ thực hiện chiến thuật thấy tàu cá miền Trung là lập tức áp đến, xua đuổi và sẵn sàng đâm chìm. Ngư dân Lê Khởi, chủ tàu cá QNg 96297 TS, ở (Thôn Tây xã An Hải – Lý Sơn), gần 30 năm bám Hoàng Sa, ông đã không ít lần bị tàu nước ngoài vô cớ rượt đuổi, tấn công, cướp tài sản.

Lần đầu tiên vào năm 2003, khi đó ông bị tịch thu chiếc tàu 450 CV, có giá gần 100 cây vàng, mất phương tiện kiếm sống ông phải nằm bờ gần nửa năm, sau đó bươn trải làm thuê dưới các tàu cá của ngư dân địa phương để kiếm tiền mua gạo nuôi sống gia đình.

Dẫu qua nhiều hiểm nguy, ngư dân Lê Khởi vẫn tự tin đối mặt với khó khăn bằng cách tiếp tục vay mượn vốn đóng tàu cùng bạn chài ngày ngày bám biển kiếm kế sinh nhai và gìn giữ ngư trường của tổ tiên ông bà để lại.

Lão ngư Dương Minh Thạnh (72 tuổi), thuyền trưởng tàu cá QNg 96259 TS, ở Thôn Tây xã An Hải, người có thâm niên gần 50 năm bám biển Hoàng Sa – Trường Sa, và được cư dân đất đảo xem như vị “Tư lệnh Hoàng Sa” những năm 90 của thế kỷ trước bày tỏ, ngày trước ra khơi Hoàng Sa, chỉ bằng những con tàu gỗ nhỏ mong manh, nhưng việc làm ăn dễ dàng thuận lợi, không như bây giờ nghề đánh bắt hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn, do chi phí cao, nguồn hải sản cạn kiệt. Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng những ngư dân khi được hỏi thì đều khẳng định, họ sẽ lại ra biển, bởi đây là nghề truyền thống của cha ông để lại, cũng là nghề kiếm sống của phần lớn ngư dân đảo Lý Sơn. Điều quan trọng nữa, đây là vùng biển quê hương và họ không lùi bước trước bất cứ hiểm nguy nào.

Những ngày đối mặt “hung thần 46102”

Tàu Hải cảnh 46012 chính là một trong những tàu hung hăng nhất trong những ngày phóng viên báo NTNN theo chân ngư dân, kiểm ngư ra biển Hoàng Sa những ngày giàn khoan 981 cắm phi pháp hơn 2 năm trước (5.2014).

Ngày 30.4.2014, hàng trăm tàu cá, tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đã hộ tống giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng biển nước ta. Hàng chục tàu cá Đà Nẵng và Quảng Nam vẫn hiên ngang thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt, khẳng định chủ quyền. PV NTNN đi cùng trên con tàu ĐNa 90127 của Quảng Nam.

img

Tàu hải cảnh 46102 rượt đuổi tàu Việt Nam trên ­vùng viển Hoàng Sa năm 2014.  Ảnh: Đình Thiên

2 ngày đánh bắt ở Hoàng Sa tháng 5.2014 là những ngày  nóng bỏng, ngư đội tàu cá 6 chiếc mà PV đi cùng đã bàn bạc và cùng nhau dàn hàng ngang khoảng  0,5 hải lý cùng tiến gần tới dàn khoan HD 981. Phương án này đã làm cho tàu sắt Trung Quốc bị bất ngờ. Trong vòng 1 giờ, những con tàu sắt của Trung Quốc hùng hục lao vào đội hình, nhưng do giữ được khoảng cách hợp lý nên các tổ đều tránh được va chạm và tiến gần tới gần giàn khoan HD 981 được khoảng 5,5 hải lý. Nhưng chưa hết vui mừng, tiếng máy bay rền rền trên đầu các tàu trong biên đội và chỉ 15 phút sau, có khoảng 3 con tàu màu trắng lao như bay về phía biên đội. Bằng kinh nghiệm của ngư dân lão luyện, thuyền trưởng tàu QNa 90127 khẳng định, tốc độ những con tàu  này lên đến 30 hải lý/giờ. Tiến gần hơn, tất cả ngư dân và tôi thấy rõ 3 con tàu này đều có chữ Trung Quốc và số hiệu thứ tự 46101, 46102, 37101. Trong đó, con tàu 46102 rú ga khói đen kịt, họng pháo đen ngòm đã mở bạt trước mũi lao thẳng về chiếc tàu ĐNa 90127. Dù thuyền trưởng tàu QNa 90127 tìm đủ mọi cách vòng tránh nhưng nhiều cú đâm chí mạng từ con tàu 46102 khiến tàu nghiêng sát mặt biển, tất cả lộn nhào, ca bin tàu nát bét, chỉ còn tích tắc là chìm xuống biển. May mắn thay, tàu Kiểm ngư của Việt Nam lúc đó đã chạy đến kịp thời và giải vây cho tàu ĐNa 90127.

Mấy ngày sau, PV NTNN được chuyển lên tàu KN 765. Các cán bộ tàu cho biết, liên tục mấy ngày gần đây con tàu 46102 đã đâm hơn 10 tàu cá của chúng ta và một số tàu kiểm ngư đang tuần tra trong khu vực.  Trong đó vào ngày 13.5, tàu kiểm ngư 765 đã bị 2 tàu hải cảnh 46102, 46101 và 1 tàu khác của Trung Quốc đâm chí mạng. 

Đình Thiên