Một phiên điều trần về vụ kiện hôm 24.11.2015.
Vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc trên Biển Đông tạo ra tình huống khó xử về ngoại giao cho nhiều nước khác nhau. Trước khi kết quả được công bố ngày 12.7, Washington và Bắc Kinh đang ra sức tìm kiếm ủng hộ trước phán quyết lịch sử về tranh chấp Biển Đông.
Mỹ tạo áp lực ngoại giao ở phương Tây và châu Á để buộc Trung Quốc phải tuân thủ quyết định của tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan. Trung Quốc nói không chấp nhận phán quyết của phiên tòa và tìm sự ủng hộ từ Trung Đông và các quốc gia châu Phi.
Mỹ không phải là bên chịu ảnh hưởng trong tranh chấp Biển Đông cũng như Công ước LHQ về Luật biển nhưng quốc gia này vẫn muốn Trung Quốc tuân thủ quy tắc quốc tế. Do không có cơ chế quản lý sau khi phán quyết đưa ra, Trung Quốc sẽ cư xử dựa trên phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Dưới đây là phản ứng của một số quốc gia và tổ chức liên quan tới vụ kiện lịch sử của Philippines.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Dân Philippines đổ ra đường phản đối Trung Quốc.
ASEAN cố gắng trong nhiều năm trời để đạt được giải pháp ngoại giao ở Biển Đông tuy nhiên 10 quốc gia vẫn bất đồng và ít tạo ra tiến bộ. Khi Tổng thống Barack Obama gặp các nhà lãnh đạo ASEAN hồi tháng 2.2016, họ đồng ý “tuân thủ hoàn toàn các quy tắc ngoại giao và luật pháp quốc tế” phù hợp Hiến chương LHQ. Tuy nhiên Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố hồi cuối tháng trước rằng ông không ủng hộ phán quyết của tòa quốc tế vì cho rằng vụ kiện mang tính "chính trị" chứ không phải vấn đề luật pháp.
Một vài quốc gia ASEAN e dè trong việc thể hiện thái độ với Trung Quốc, chẳng hạn như Malaysia và Brunei dù họ là nước có tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố hồi tháng 6 rằng phán quyết này sẽ có tác động lên Biển Đông. Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh cam kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quanh đảo Natuna ở Biển Đông. Indonesia gần đây cũng bắt giữ nhiều tàu cá Trung Quốc và cho nổ tung. Ngoại trưởng Indonesia yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nga
Nga là quốc gia có sự nghi ngại Washington nên là nước ủng hộ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất dù không thể hiện trực tiếp quan điểm về phán quyết vụ kiện Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Nga phản đối mọi quốc gia bên ngoài can thiệp vấn đề Biển Đông hoặc có ý định “quốc tế hóa mâu thuẫn trên biển”. Giống Trung Quốc, Nga nói rằng mâu thuẫn chỉ giải quyết được bằng đối thoại, thỏa thuận.
EU và G-7
Philippines được cho là có nhiều khả năng thắng kiện.
EU đã thúc giục những nước tranh chấp ở Biển Đông giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại hòa bình và “tuân thủ luật lệ quốc tế”, bao gồm Hiến chương LHQ. Nhóm G-7 đề nghị mọi quốc gia tuân thủ chặt chẽ luật pháp và thực hiện đúng phán quyết cuối cùng.
Tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian từng đề xuất cử hải quân EU tới Biển Đông để thực thi trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Jean cảnh báo rằng nếu luật biển trong khu vực không được tôn trọng, những nơi như Địa Trung Hải và Bắc Cực sẽ gặp phải tình trạng tương tự
Australia
Tháng 1, ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói rằng vụ kiện Trung Quốc-Philippines sẽ “đặc biệt quan trọng” như một sự phản ánh quy tắc quốc tế và là tiền đề giải quyết những mâu thuẫn về lãnh hải, đảo nhân tạo quanh khu vực.
Australia cho rằng, Trung Quốc đã bồi lấp hàng loạt đảo nhân tạo (trái phép) nhằm thực hiện ý đồ tuyên bố chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông.
Ấn Độ
Ấn Độ không thể hiện quan điểm về vụ kiện tuy nhiên ủng hộ các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Ấn Độ chia sẻ cùng góc nhìn với Mỹ về việc Bắc Kinh tham vọng muốn trỗi dậy ở vùng biển châu Á.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng “tất cả các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế và quy tắc trên biển”. Ấn Độ từng thực hiện quyết định của tòa Trọng tài Thường trực năm 2014 về phán quyết liên quan tới tranh chấp biên giới lãnh hải với Bangladesh.
Nhật Bản
Những thành viên tòa án Trọng tài Thường trực.
Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên ủng hộ Philippines theo đuổi vụ kiện
Tokyo nói rằng cả Trung Quốc và Philippines phải chấp nhận kết quả cuối cùng. Nhật lo sợ Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông, nơi trung chuyển 80% lượng dầu thô vào Nhật Bản.
Hàn Quốc
Giống Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đi qua Biển Đông. Tuy nhiên, Hàn Quốc có mối quan hệ rất thân thiết với Trung Quốc và e ngại thể hiện rõ quan điểm. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng tranh chấp Biển Đông cần giải quyết dựa trên các quy tắc quốc tế.