Cuộc chiến thương hiệu giữa Nike và Adidas chưa bao giờ đi đến hồi kết. Bất kể chỗ nào có Nike thì có Adidas. Hai "ông lớn" thời trang thể thao luôn "chạy đua" cả về chất và lượng để có được thị phần nhiều hơn, tranh giành nhân tài để có những mẫu thiết kế ăn khách hơn. Họ cũng đang bị quay cuồng vì cuộc chiến giày sneaker. Serie Đại chiến giữa 2 "ông lớn" thời trang thể thao sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về thị phần, những động thái chứng tỏ Adidas quyết tâm "lật đổ" ngôi vương của Nike và tình hình cuộc chiến thương hiệu hàng thập kỷ giữa 2 hãng này. |
Cuộc chiến không khoan nhượng giữa Adidas và Nike
Kỳ 2: 2 ông trùm thời trang thể thao giành giật từng nhân tài
Trong kỳ 1, chúng tôi đã đưa ra cái nhìn tổng quan về cuộc "đại chiến" hàng thế kỷ giữa Adidas và Nike. Họ cạnh tranh nhau từng miếng thị phần béo bở trong suốt mấy chục năm qua. Adidas và Nike luôn đứng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau, từ doanh thu, doanh số bán đến cạnh tranh "chất xám".
Và kỳ 2 này sẽ tái hiện lại cuộc chiến "chất xám" rất khốc liệt đó. Nike và Adidas đều tìm mọi cách để thu hút những nhân tài số một của làng thời trang thể thao.
Michael Jordan
Cầu thủ bóng rổ Michael Jordan
Tờ Wall Street nhận định, sự thất thủ của Adidas trước Nike thời thập niên 80 có lẽ bắt đầu từ vụ bỏ lỡ siêu sao bóng rổ Michael Jordan. Jordan vốn muốn ký kết cùng Adidas nhưng lại bị chê bai chiều cao. Họ cần một người cao hơn nữa. Adidas ngạo mạn nói: "Ai có thể hợp tác cùng một anh chàng cao 1m98 đây?".
Tuy nhiên, Nike đánh giá rất cao Jordan. Năm 1984, Nike mời chào anh chàng này và tạo ra kỷ nguyên Air Jordan hùng mạnh khiến Adidas phải khiếp sợ.
Adidas không nản lòng sau nhiều cú "bắt tay" với siêu sao không mang lại sức bật lớn. Năm 2016, Adidas hạ quyết tâm đánh chiếm thị trường Bắc Mỹ bằng cách chiêu mộ thêm siêu sao bóng rổ James Harden nhằm kéo mẻ lưới lớn trên thị trường tiêu thụ giày thể thao lớn nhất thế giới này. Và 200 triệu đô là cái giá cắt cổ khiến Harden gật đầu nhanh chóng.
Yohji Yamamoto
Nhà thiết kế nổi tiếng Nhật Bản Yohji Yamamoto
Giai đoạn 2001 – 2005, Nike và Adidas được đánh giá là ngang tài, ngang sức trên thị trường thời trang. Nhưng, Adidas lại thắng thế hơn khi ký kết thành công với Yohji Yamamoto và đưa thương hiệu này trở thành "gã khổng lồ" số 1 trong giới trang phục thể thao. Được biết, Yohji Yamamoto cũng có ý định ký kết hợp đồng với Nike, nhưng Nike không đủ hấp dẫn.
Kanye West
Nam ca sĩ Kanye West cũng đã đầu quân cho Adidas
Nike ký kết cùng Kanye West năm 2009 và cho ra đời dòng sản phẩm Yeezy 1. Đúng như mong đợi, Kanye West là một " quả rocket hạng nặng" làm bùng nổ thị trường giày sneaker tại châu Âu. Nam ca sĩ giúp cho doanh số của Nike tăng vọt đến mức không tưởng, hơn 63 tỷ USD, gấp 5 lần giá trị vốn hóa của Adidas là 14 tỷ USD.
Nike vững vàng giữ "ngôi vương" trong làng thời trang thể thao. Nike tăng trưởng giá trị vốn hóa liên tục và nhanh chóng. Riêng giai đoạn 2009 - 2012 đạt 86,89 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với giá trị vốn hóa của Adidas là 18,16 tỷ USD.
Tuy nhiên, Kanye West đã quyết định rời khỏi Nike và được Adidas mời chào. Chàng rapper nổi tiếng chia sẻ: "Tôi rời bỏ Nike và đến với Adidas là vì con gái mình. Đó là một cơ hội phát triền tốt, là cơ hội giúp con gái của tôi có cuộc sống tốt hơn."
Năm 2014, Adidas vui mừng thông báo: "Chúng tôi chào mừng một biểu tượng thời trang có sức ảnh hưởng lớn với thế hệ hiện tại tới gia đình Adidas, Kanye West".
Năm 2015, Kanye West và Adidas tung ra thị trường dòng giày sneaker YEEZY BOOST khiến giới trẻ phát sốt. Nhiều kệ sạp đã cháy hàng, tuy nhiên mọi chuyện vẫn chưa đủ để giúp Adidas sánh vai cùng Nike trên thị trường tính đến hiện tại.
Marc Dolce, Mark Miner và Denis Dekovic
Chân dung 3 thiên tài thiết kế Marc Dolce, Mark Miner và Denis Dekovic
Tháng 9.2014, 3 nhà thiết kế lừng danh Marc Dolce, Mark Miner và Denis Dekovic quyết định rời bỏ Nike và ngay lập tức được Adidas chiêu mộ với những điều kiện cực hấp dẫn.
Denis Dekovic từng là giám đốc thiết kế của Nike. Còn Mark Miner - tay chơi thứ thiệt sáng tác ra siêu phẩm Air Force 1 - dù đã gắn bó với Nike từ năm 2007, nhưng vẫn quyết ra đi. Cả 3 người đều cảm thấy chán nản trước những bóc lột, áp lực của Nike.
Đáng ngạc nhiên, Adidas đã "đánh hơi" được điều này. Adidas đầu tư studio riêng cho bộ ba khét tiếng, để họ thiết kế và sản xuất bất cứ thứ gì yêu thích với điều kiện treo biển nhãn hiệu Adidas và giúp hãng này "đấu" lại Nike.
Sự vụ này khiến Nike vô cùng tức giận, họ kiện bộ ba thiên tài chi phí 10 triệu USD (khoảng 220 tỷ đồng) với các cáo buộc: Vi phạm hợp đồng lao động, gián điệp kinh tế, âm mưu phá hoại và nặng nhất là "trộm cắp" thiết kế mới mang cho đối thủ. Tuy nhiên, sau 2 tháng điều tra vẫn không có kết quả, vụ kiện chìm vào quên lãng bởi những thỏa thuận ngầm của hai "ông lớn" thời trang.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Đón đọc Kỳ 3: Hai "đại gia" thời trang quay cuồng vì giày sneaker vào lúc 15h00 ngày 27.7.2016