Dân Việt

Dịch “tôm bay” tàn phá cây trồng: FAO hỗ trợ diệt trừ nạn châu chấu

Trần Quang 12/07/2016 06:53 GMT+7
Trong những tháng gần đây, tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn đã liên tục xảy ra hiện tượng châu chấu (bà con thường gọi là “tôm bay”) phá hoại mùa màng. Vì sao có tình trạng này, giải pháp để xử lý là gì? Phóng viên NTNN đã trao đổi với các cơ quan bảo vệ thực vật (BVTV) .

Bộ NNPTNT vào cuộc khống chế châu chấu…

img

Người dân phun thuốc diệt trừ châu chấu ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).  Ảnh: I.T

Đã có ít nhất 3 tỉnh ở vùng cao gồm Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng xuất hiện châu chấu phá hại cây trồng. Trong đó tại Sơn La có một số xã của huyện Sốp Cộp; Cao Bằng có  2 huyện bị ảnh hưởng nặng là Thông Nông có 7/11 xã, huyện Thạch An có 11/21 xã có nạn châu chấu.

Báo NTNN ra ngày 9.7 phản ánh, từ cuối năm 2015 đến nay tại địa bàn xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) xuất hiện hàng triệu con châu chấu phá hại diện tích cây nông – lâm nghiệp, trở thành cơn ác mộng cho người dân và chính quyền ở đây.

Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Đây không phải là hiện tượng bất thường, mà trong những năm gần đây “tôm bay” đã xuất hiện ở một số vùng của huyện biên giới Sốp Cộp (Sơn La) và một số vùng ở tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng…”.

Ông Trung cho biết, theo báo cáo từ tỉnh Sơn La, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất từ nạn “tôm bay” gửi về Cục, tính đến tháng 6.2016 tổng diện tích thiệt hại hàng nghìn ha, trong đó chủ yếu là cây lâm nghiệp chiếm trên dưới 90% còn lại khoảng 10% là cây nông nghiệp. “Tuy nhiên, đến nay diện tích cây nông nghiệp bị thiệt hại chỉ còn khoảng 137ha. Đặc biệt là nạn “tôm bay” đã được khống chế hoàn toàn” – ông Trung khẳng định.

Theo ông Trung, ngay từ đầu tháng 4, khi có thông tin báo cáo từ địa phương, Cục BVTV đã thành lập Ban chỉ đạo và cử một đoàn công tác gồm đầy đủ các thành phần từ lãnh đạo Cục, các phòng, ban chuyên môn và các chuyên gia, nhà khoa học về côn trùng lên thực tế địa phương tìm hiểu nguyên nhân đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bà con và chính quyền sở tại diệt trừ “tôm bay”. Trong các tháng xảy ra dịch vừa qua, Cục đã phối hợp với địa phương tổ chức nhiều đợt phun thuốc   diệt trừ hàng triệu con châu chấu.

Châu chấu - côn trùng nguy hiểm

img

Hiện tượng “tôm bay” đã gây hại cho hàng trăm ha diện tích cây nông – lâm nghiệp của
nông dân ở huyện Sốp Cộp (Sơn La).   Ảnh: T.L

Lý giải nguyên nhân xảy ra hiện tượng “tôm bay”, ông Trung cho rằng: Do nhiều năm nay bên nước bạn Lào chưa chú trọng, quan tâm lắm đến vấn đề diệt châu chấu khiến cho “tôm bay” ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt cứ vào thời kỳ di cư châu chấu lại lan sang các địa phương vùng biên giới Việt Nam phá hoại cây lâm nghiệp rồi sang cả cây nông nghiệp khiến bà con ở đây rất lo lắng và bất an.

“Do thời điểm nay châu chấu đang trưởng thành di cư nhiều về các diện tích có cây lâm nghiệp và chỉ lây lan một số ít sang cây hoa màu nên thiệt hại về nông nghiệp không lớn lắm, hiện Cục vẫn phối hợp với các địa phương trên để theo dõi và không chế dịch không để đàn châu chấu phát triển gây hại cho mùa màng” – ông Trung cho biết.

Theo ông Trung, về biện pháp lâu dài, Cục BVTV đang phối hợp với Dự án tài trợ của Tổ chức FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) trong việc diệt trừ loài côn trùng nguy hiểm trên tại Lào và Việt Nam. Đặc biệt Cục đang tiếp tục hỗ trợ cho nước bạn Lào tích cực, nhanh chóng có biện pháp mạnh để phòng trừ nạn châu chấu tránh gây thiệt hại lớn cho nền nông nghiệp của 2 nước.

Ông Trung cũng khuyến cáo bà con và chính quyền vùng có dịch cần chủ động theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh xảy ra thiệt hại nặng.

Nói về hiện tượng “tôm bay”, TS Nguyễn Văn Liêm – Viện trưởng Viện BVTV (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ NNPTNT) cho biết: Hiện tượng châu chấu trên đã từng xuất hiện ở một số vùng ở Sơn La, Bắc Kạn, Hòa Bình. “Viện đã nhiều lần đề nghị với Bộ cho triển khai dự án nghiên cứu về hiện tượng này. Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, nguyên nhân bắt nguồn từ quá trình lâu dài chứ không phải tự nhiên mà xảy ra nên cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì mới diệt trừ tận gốc được” – TS Liêm cho hay.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở NNPTNT Sơn La, đến thời điểm hiện tại dịch châu chấu vẫn đang hoành hành tại xã Mường Lạn và có thể sẽ di cư, chuyển đàn sang các vùng khác thuộc địa phận các xã biên giới Nặm Lạnh, Mường Và, Mường Cai thuộc địa phận huyện Sốp Cộp để tìm thức ăn. Hơn nữa do địa bàn rừng núi, vùng biên giới, nên việc diệt trừ châu chấu phá hoại mùa màng, bảo vệ cây rừng là rất khó khăn.

Biện pháp phòng trừ châu chấu hại mùa màng

 - Phát quang đồi rừng, diện tích lúa, ngô ven rừng bị châu chấu gây hại.

 - Phát hiện sớm ổ châu chấu mới nở, còn co cụm mật độ thấp thì dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy.

- Khi mật độ châu chấu cao hoặc có nguy cơ di chuyển xuống gây hại ruộng lúa, ngô cần tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Gà nòi 95SP, Patox 95SP, Wavotox 585 EC, Sherpa 25EC...

Nên tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt tránh để chúng phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát. Chú ý: Phun thuốc theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc và tuân thủ “kỹ thuật 4 đúng”.    

Nguồn: Cục BVTV