Đời mẹ, con, cháu đều… nhặt rác
Hàng ngày, bãi rác thị xã Ayun Pa tiếp nhận khoảng 15 xe rác và cũng chừng đó con người
sống dựa vào nó. Ảnh: Đ.N
“Xã cũng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ và vận động họ. Đối với một số hộ không có đất sản xuất, xã đã hỗ trợ con giống, vật nuôi để họ ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên nhiều hộ sau khi nhận hỗ trợ lại mang đi bán. Chính quyền không thể hỗ trợ mãi được nên đành để họ tiếp tục lên bãi rác kiếm ăn”. Bà Phạm Thị Vân |
Có mặt ở bãi rác thị xã Ayun Pa vào lúc trời vừa hửng nắng, chúng tôi đã cảm nhận không khí oi nồng đang bao phủ bãi rác rộng chừng 1ha. Càng tiến sâu vào bãi rác, không gian càng sặc sụa mùi xú uế với đủ các loại phế thải nằm vương vãi hoặc được chất thành từng đống cao quá đầu người. Lọt thỏm giữa bãi rác, hàng chục con người đang cặm cụi săm soi, nhặt nhạnh, cố gắng kiếm tìm những gì có thể đổi được thành tiền từ những thứ người ta đã vứt đi… Một tay cô gái cầm bao tải chứa đầy phế thải còn tay kia vẫn thoăn thoắt không ngừng bới móc tìm kiếm. Chốc chốc cô lại nghỉ tay ngoái ra phía sau canh chừng đứa bé đang ngủ ngon lành trên lưng. Cô là Ksor H’Ni ở buôn Rưng.
Nghỉ học từ sớm vì nhà nghèo, 16 tuổi, H’Ni đã bắt chồng và sinh hạ đứa con đầu lòng. Chồng cô hàng ngày đi làm thuê cuốc mướn khắp nơi nhưng cũng chẳng đủ ăn. Bụng đói chân phải đi nhưng chẳng còn nơi kiếm tiền nào khác, cô đành địu con lên bãi rác mưu sinh… Từ cái ngày còn đang tuổi cắp sách đến trường cho đến bây giờ, H’Ni đã địu đứa con trên lưng nhặt rác. Cô chẳng nhớ mình mưu sinh ở đây bao nhiêu mùa rẫy nữa vì nhà cô làm gì có rẫy. Có chăng chỉ là những ký ức xa xăm về quãng thời gian theo mẹ đi nhặt rác… “Ngày nhỏ cứ nghỉ học là em lại theo mẹ lên bãi rác này để nhặt bao nylon, nhặt giấy giúp mẹ kiếm tiền. Đã nhiều năm nay rồi, giờ em cũng nghỉ học, lấy chồng rồi sinh con; địu con lên đây nhặt rác, hệt như cuộc đời của mẹ em thuở trước. Nhà em nghèo lắm, làm gì có rẫy mà trồng sắn, trồng ngô”. H’Ninh than thở, đôi mắt cô nhìn đứa con nằm trên lưng như thể nói “Có lẽ con rồi cũng lại về đây nhặt rác như mẹ…”.
“Nghiện” lên bãi rác…
Ở một góc vựa rác, già Nay Tuyn cũng là dân buôn Rưng, đã hơn 70 tuổi, đang gom một đống lon bia, chai nhựa ngổn ngang dưới đất vào bao tải, thành quả của một ngày lao động cật lực. Nghe có người hỏi thăm, người đàn ông thân hình da bọc xương, khom lưng lụi hụi mời khách vào “nhà”. Gọi là “nhà”, kỳ thực chỉ là một mái chòi xơ xác, rách bươm. Già Tuyn nói đùa rằng mình “nghiện” lên bãi rác như người ta thích hút thuốc rê, thích ngậm cái cái tẩu vậy. Một ngày không lên cái nơi hôi thối ấy ông sẽ cảm thấy bồn chồn, bứt rứt lắm. Ông nói: “Mình, con mình, rồi giờ đến cháu mình cũng sống dựa vào bãi rác này. Nó thối thật, dơ thật nhưng rồi cũng quen. Giờ mình chẳng ngửi thấy mùi gì nữa, chắc là bị điếc mũi mất rồi…”.
Hằng ngày, bãi rác thị xã Ayun Pa tiếp nhận khoảng 15 xe rác và đó chính là nguồn sống của hàng chục con người không phương kế mưu sinh của buôn Rưng. Già Tuyn cho biết tuần nào làm việc năng suất lắm thì mỗi người mới có thể kiếm được dăm trăm ngàn đồng. “Cũng vất vả thật nhưng có chút tiền mua gạo là mừng rồi. Mình từng này tuổi không đi làm nương, làm rẫy được thì đi nhặt rác thôi” – già Tuyn thở dài.
Đang trò chuyện, chợt nghe chiếc xe chở rác trờ đến, già Tuyn bật dậy lao ra khỏi chòi. Không chậm chân, hàng chục con người cả già lẫn trẻ từ các ngả cũng vội vã ùa theo xe rác. Thùng xe bật nắp, tất cả rác rưởi với mùi hôi thối đặc nghẹt được tống xuống đất. Như chẳng bận tâm, đôi mắt họ cứ săm soi kiếm tìm những thứ có thể là cơm, là gạo, là tấm áo mới cho mình và con cháu…