Nguyên nhân do cau trái giá cao, cây cau dễ trồng, không tốn kém chi phí bón phân, chăm sóc.
Bà Thạch Thị Dân, ấp Bàu Sơn xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết, gia đình có 5 cây cau được trồng trước cửa nhà để vừa làm cảnh vừa dùng vào dịp lễ hỏi, lễ cưới và Tết Nguyên đán. Nhưng trong dịp Tết Bính Thân, những người chuyên mua bán cau trái đến tận nhà hỏi mua cau trái tươi với giá 65.000 đồng/kg, với giá này bình quân 1 buồng cau bán được 500. 000 đồng.
Ảnh minh họa
Bà Dân nhẩm tính, với giống cau Tứ Thời mỗi năm cho 4 lần trái, mỗi lần cho 2 buồng, thu nhập 4 triệu đồng/cây. Nếu so sánh, cây cau cho thu nhập cao hơn cây dừa và một số cây ăn trái khác, nên bà Dân có ý định phá bỏ 1 ít diện tích cây ăn trái chuyển sang trồng cau.
Bà Nguyễn Thị Sáu, chuyên bán cau trái tại chợ Trà Vinh cho biết, cau trái trước kia được trồng nhiều là do nhu cầu tập tục ăn trầu của các cụ già. Nhưng hơn hai mươi năm nay không còn nhiều người già ăn trầu như xưa nên số lượng cây cau giảm nhiều. Do sản lượng cau trái không còn nhiều, thêm vào đó vì ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nên năng suất cau giảm đưa đến cung không đủ cầu nên giá cau tăng liên tục. Hiện giá cau bắt đầu giảm dần chỉ còn 40.000 đồng/kg cau trái tươi.
Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, đây là việc làm tự phát mà ngành nông nghiệp đang vận động, khuyến cáo nông dân không nên thực hiện. Bởi, hiện nhu cầu cau trái phục vụ cho các cụ già ăn trầu rất ít, cau trái chủ yếu được dùng trong các dịp lễ cưới, ngày Tết. Có thể nói, thị trường rộng mở cho trái cau là không có triển vọng.
Vì vậy, nông dân không nên phá bỏ vườn cây ăn trái trồng cau để tránh rơi vào tình cảnh “ trồng rồi chặt” vì cung vượt cầu, cau trái rớt giá.