Dân Việt

Lùm xùm "tranh từ châu Âu về”: Sẽ dừng triển lãm nếu có tranh giả!

Hà Tùng Long 12/07/2016 10:04 GMT+7
Ngay khi xuất hiện những tranh cãi liên quan đến chuyện thật - giả của 17 bức tranh trong triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu về”, nhiều người cho rằng, trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong việc này rất lớn. Ông Hứa Thanh Bình - PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM đã chia sẻ về việc này.

Cuộc triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM từ ngày 10/7 đang gây nhiều tranh cãi trái chiều về độ thật - giả của các bức tranh trong triển lãm. Với tư cách là PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, ông có ý kiến gì về việc này?

- Tôi là Phó Giám đốc phụ trách về chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Khi triển làm này làm các thủ tục để xin phép triển lãm tại bảo tàng thì việc xét duyệt tác phẩm không phải là tôi xét như những lần trước mà là những người khác vì tôi đi Mỹ mới về hôm 10/7. Sáng 11/7, khi đang nằm ngủ thì tôi nhận được điện thoại của một số anh chị phóng viên thông báo về sự việc này. Tôi khá là ngạc nhiên vì trong thời gian đi Mỹ tôi không nghe thông tin gì bất thường từ bảo tàng hết.

img

Hoạ sĩ Hứa Thanh Bình - PGĐ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ảnh: TL.

Ngay sau khi hay biết thông tin, tôi có gọi điện ngay cho bảo tàng thì phía bảo tàng có cho tôi biết rằng, ngày hôm nay (12/7) mời tôi tới bảo tàng để họp về những lùm xùm liên quan đến triển lãm của ông Vũ Xuân Chung với mục đích chính là làm rõ những vấn đề liên quan đến chuyện thật - giả của những bức tranh. Chắc chắn ngày hôm nay khi họp xong, có thông tin gì tôi sẽ báo cho mọi người biết ngay.

Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong việc cấp phép cho một cuộc triển lãm mà chưa có xác thực về nguồn gốc lẫn mức độ tin cậy của tác phẩm?

- Cách làm của tôi như mọi ngày, đó là đối với các tác phẩm sưu tầm, cho dù của tư nhân hay của tổ chức nào đi chăng nữa cũng đều phải kiểm định thật kỹ. Đối với các tác phẩm của các “cây đa cây đề” làng mỹ thuật như danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái công tác này lại càng phải làm kỹ càng hơn. Bản thân tôi vốn là họa sĩ và cũng đã gần 60 tuổi rồi nhưng có những tác phẩm của các cụ mình không hề biết. Nhất là những tác phẩm các cụ vẽ trước thời kỳ giải phóng đất nước.

Cách làm của tôi đó là mở rộng hội đồng thẩm định tác phẩm ra. Mời các chuyên gia có tiếng của Hội Mỹ thuật để họ tư vấn và thẩm định. Chỉ khi nào cảm thấy mọi thứ đã an toàn thì mới cấp phép cho tổ chức triển lãm.

Cá nhân tôi thấy rằng, có thể, các anh chị ở bảo tàng đã hơi chủ quan khi cứ dựa vào tờ giấy chứng nhận mà nhà sưu tập đưa ra. Điều dở nhất là ở chỗ đó. Từ chiều đến giờ tôi rất là nóng ruột, muốn thời gian trôi qua thật nhanh để tham dự cuộc họp với bảo tàng nhằm làm rõ thực hư nếu không thì mang tiếng cho bảo tàng quá.

img

Bức tranh "Vườn chuối" của danh họa Nguyễn Sáng trong triển lãm này cũng bị cho là giả. Ảnh: LĐ.

Nghĩa là bản thân ông cũng thừa nhận tờ giấy chứng nhận nguồn gốc tác phẩm chưa nói lên điều gì và việc dựa vào tờ giấy chứng nhận đó để cấp phép cho triển lãm là việc làm rất ẩu?

- Đúng thế, tờ giấy chứng nhận chưa nói lên được điều gì vì vậy mà bây giờ tranh giả nhiều lắm, làm hỗn loạn thị trường hội hoạ. Tôi cũng chưa vào được bảo tàng để mà xem cụ thể từng tác phẩm trong triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu về” chứ nếu vào xem rồi tôi cũng sẽ nhận biết được phần nào.

Tuy nhiên, theo quy trình tôi thường làm là tiếp nhận tác phẩm qua hình ảnh, sau đó nếu tác giả của tác phẩm còn sống thì sẽ gửi hình ảnh cho tác giả để họ xác nhận, còn nếu xa xưa quá thì sẽ đề nghị người xin phép triển lãm cung cấp tác phẩm cho chúng tôi xem trực tiếp. Sau khi thấy thủ tục đã ổn thì mới tiến cử tác phẩm cho Hội đồng thẩm định của bảo tàng. Hội đồng thẩm định sau khi xem xét xong thấy mọi thứ đều ổn thì mới gửi hồ sơ đó lên Sở VH,TT&DL để xin cấp phép về mặt pháp lý. Nếu Hội đồng thẩm định chưa cảm thấy yên tâm thì lại phải triệu tập Hội đồng mở rộng và nếu Hội đồng mở rộng cũng chưa yên tâm thì chúng tôi sẽ từ chối cấp phép triển lãm tại bảo tàng.

Theo ông, bây giờ để biết được trong số 17 bức tranh triển lãm lần này, những bức tranh nào là tranh thật, những bức tranh nào là tranh giả thì cần phải làm những thủ tục gì? Và nếu phát hiện ra tranh giả trong triển lãm thì bảo tàng sẽ xử lý như thế nào?

- Việc xem xét thật giả không đơn giản và một người cũng không thể làm được điều gì. Cái này chắc chắn phải có triệu tập Hội đồng mở rộng để xem xét về nguồn gốc, về chuyên môn và so sánh với nhiều tài liệu khác nhau. Thậm chí có thể mời cả những nhân chứng biết rõ về nguồn gốc bức tranh.

Hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đang xúc tiến thành lập một xưởng phục chế. Một bảo tàng lớn mà không có nổi một cái xưởng phục chế thì quá dở. Tôi cũng đang rất cần được cung cấp các thông tin về quy định mở một xưởng phục chế, quy định về tranh chép như thế nào… Cá nhân tôi nghĩ, đây không chỉ thuộc vấn đề luật pháp mà còn thuộc về lương tâm của những người làm nghề.

img

Bức trang "Ba cô gái" của danh họa Dương Bích Liên trong triển lãm bị cho là tranh giả. Ảnh: LĐ.

Thật sự đây là một sự việc lần đầu tiên xảy ra đối với Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho nên nếu bây giờ hỏi xử lý như thế nào thì quả thật rất lúng túng. Tuy nhiên, nếu phát hiện ra tranh giả trong số những bức tranh đang triển lãm của ông Vũ Xuân Chung thì chúng tôi sẽ bắt ngừng triển lãm. Sau đó Hội đồng của bảo tàng sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất ý kiến và ra quyết định.

Nói ra thì hơi dở nhưng quả thật triển lãm này khá nhạy cảm bởi tranh triển lãm phần lớn là của các danh họa tên tuổi. Câu hỏi đặt ra là nếu tranh thật thì không sao nhưng nếu tranh giả thì tại sao ông Vũ Xuân Chung lại có được những tờ giấy xác nhận về nguồn gốc, chất lượng những bức tranh… Và nếu xử nhẹ vụ này thì liệu có phải sẽ tiếp tay cho hoạt động lưu hành tranh giả ngày càng táo bạo hơn?

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin.