Phó giáo sư Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện nhi Trung ương (Hà Nội), cho biết hết tháng 7 sẽ chấm dứt hợp đồng với Công ty bảo vệ AZ và tìm đối tác bảo vệ mới. Đây được xem là nỗ lực mới nhất của bệnh viện nhằm giải quyết vụ bảo vệ Công ty AZ chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối gây bức xúc dư luận.
Nơi xảy ra vụ bảo vệ chặn xe cứu thương ở Bệnh viện Nhi Trung ương gây xôn xao dư luận. Đến nay các xe cấp cứu ngoại tỉnh được đỗ khá lâu trong khuôn viên bệnh viện. Ảnh: Bá Đô
Thay đơn vị bảo vệ không giải quyết vấn đề
Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ), gốc rễ vấn đề không phải là bệnh viện chọn đơn vị bảo vệ nào mà ở chỗ cần thay đổi cung cách quản trị để chấm dứt tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ vận chuyển trong khuôn viên Bệnh viện Nhi nói riêng và nhiều bệnh viện khác trên toàn quốc, bao gồm vận chuyển cứu thương, xe tang và taxi.
Ông Cương cho rằng nhiều năm nay xe cứu thương, taxi… ở nhiều bệnh viện hoạt động theo “luật ngầm”, nơi bệnh viện và các đơn vị cung cấp dịch vụ bắt tay với nhau. “Luật ngầm” tồn tại dựa trên quy định nội bộ của bệnh viện và hạn chế tự do lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra vào, tạo điều kiện cho 1-2 đơn vị cung cấp dịch vụ là đối tác của bệnh viện. Vì vậy muốn xóa “luật ngầm” thì trước hết phải gỡ bỏ các quy định nội bộ.
“Việc đưa ra các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện, kiểm soát chất lượng xe cứu thương và đảm bảo quyền tự do lựa chọn dịch vụ của người dân là hai việc khác nhau. Không thể vì việc này mà hạn chế việc kia”, ông Cương nói.
Theo tìm hiểu của VnExpress, Bệnh viện Nhi Trung ương, Công ty bảo vệ AZ, hãng taxi ABC từng cùng nhau cam kết về thái độ phục vụ với bệnh nhân. Khi cơ sở y tế này triển khai kế hoạch và ký cam kết “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ” giai đoạn từ tháng 8.2015 đến nay, cùng với sự tham gia của Ban giám đốc, đại diện 53 khoa/phòng trực thuộc, còn có đối tác là taxi ABC và Công ty AZ.
Thực hiện theo cam kết này, tại các cổng vào Bệnh viện Nhi đều có rào chắn và bảo vệ canh gác, duy nhất taxi ABC được tạo điều kiện ra vào, thậm chí được bố trí chỗ đỗ đẹp trong khuôn viên. Để được độc quyền dừng đỗ và đón trả khách, hãng taxi phải chi trả số tiền không nhỏ mỗi tháng.
Các hãng taxi khác chỉ có thể dừng trước cổng Bệnh viện Nhi, không thể vào đón bệnh nhân dù đã có hẹn. “Khách quen gọi thì tôi đến đón, nhưng khách phải đứng chờ sẵn ở cổng, taxi không dám đỗ vì sợ bảo vệ đuổi. Nhiều khi khách có việc chưa kịp ra cổng, tôi đành phải bỏ khách”, tài xế taxi hãng T.N cho biết.
Bãi giữ xe ngay bên cạnh sảnh Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi. Ảnh: Vinh An
Xe đỗ quá 5 phút là phải nộp phí
Tình trạng độc quyền taxi không riêng Bệnh viện Nhi Trung ương mà còn diễn ra ở các bệnh viện khác như Bạch Mai, Việt Đức… Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều tháng qua duy nhất hãng taxi T.Đ được phép đỗ 2 chỗ trong khuôn viên của bệnh viện, trước cửa Khoa Cấp cứu. Cơ sở y tế này có riêng một nhân viên chuyên điều xe, taxi hãng khác chỉ được phép đưa bệnh nhân vào rồi phải quay ra ngay.
Tại đây thường xuyên có công an phường, cảnh sát trật tự túc trực nên tình trạng tranh giành khách giữa các hãng taxi được hạn chế. Tuy nhiên, một số tài xế hãng taxi khác cho rằng, việc độc quyền này gây thiệt thòi cho người dân ở các tỉnh về Hà Nội chữa bệnh, vì không có quyền lựa chọn hãng taxi phù hợp với khả năng chi trả của mình.
Một lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện khuôn viên bệnh viện hẹp, nếu để cho nhiều hãng taxi cùng vào sảnh bắt khách, cạnh tranh lẫn nhau sẽ gây mất trật tự, khói bụi ô nhiễm, mất an toàn cho người bệnh. Vì thế bệnh viện đã họp, quyết định lựa chọn hãng taxi T.Đ và chỉ bố trí 2 chỗ đỗ cho hãng này, mỗi tháng họ phải trả phí khoảng 10 triệu đồng. “Mục tiêu chính của bệnh viện không phải là tiền mà quan trọng làm cho bệnh nhân tiếp cận dịch vụ xe thuận tiện, đảm bảo chất lượng hơn”, vị này nói.
Cũng tại Việt Đức, phóng viên VnExpress ghi nhận việc bảo vệ bệnh viện kiểm tra chặt chẽ xe xuất viện và thu 20.000 đồng/lượt, trong khi đó bảng nội quy ghi miễn phí. Đại diện Việt Đức cho rằng, theo quy định tại khu sảnh khoa cấp cứu chỉ được dừng đỗ, đón trả bệnh nhân trong thời gian tối đa 5 phút, nếu xe nào chờ bệnh nhân đỗ vào khu vực khác của bệnh viên thì phải nộp phí, đây là quy định bắt buộc.
Theo đại diện Việt Đức, khó tránh được lúc này lúc khác bảo vệ không thực hiện đúng quy định, tuy nhiên phía bệnh viện đã đưa ra giải pháp là để số điện thoại đường dây nóng ở khắp nơi, người dân, hoặc các tài xế nếu bị làm phiền có thể phản ánh để được giải quyết.
“Cò mồi” biết số điện thoại ngay khi bệnh nhân sắp về
Khi “luật ngầm” tồn tại, bệnh nhân và người nhà sẽ tiếp tục bị hạn chế lựa chọn dịch vụ vận chuyển có lợi nhất cho mình. Mỗi ngày Hà Nội đón số lượng lớn xe cứu thương từ các tỉnh chở bệnh nhân đến, và các xe này sẵn sàng giảm giá chiều về, nhưng bệnh nhân rất khó kết nối với xe dạng này, hoặc kết nối được thì bị gây khó khăn mà đỉnh điểm là vụ chặn xe chở bệnh nhi hấp hối ở Bệnh viện Nhi.
Khi được hỏi giá từ Hà Nội về đến Lâm Đồng, một tài xế xe cứu thương biển Lâm Đồng đang đỗ trước cửa khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Đây là xe chở bệnh nhi đuối nước từ Lâm Đồng ra Hà Nội, nay quay về chạy xe không nên nếu có khách chỉ lấy giá 1,5 đến 2 triệu đồng”. Trong khi đó gọi vào số đơn vị vận chuyển Bệnh viện Bạch Mai (04 38688536), khách được báo giá 4,3 triệu đồng, nếu có y tá cộng thêm 900.000 đồng.
Cả chục xe cứu thương của Bệnh viện Bạch Mai túc trực sẵn ở sân, tuy nhiên những xe này thường có giá cao gấp đôi với những xe của các địa phương. Ảnh: Bá Đô
Anh Tùng, lái xe cứu thương lâu năm ở Hà Tĩnh cho biết, thỉnh thoảng vẫn lái xe cứu thương chở bệnh nhân ra các bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu, sau đó quay lại đón bệnh nhân về. Khi đưa bệnh nhân vào viện thì không sao, nhưng khi quay lại đón họ thì việc bị các bảo vệ, cò mồi cản trở là “chuyên thường ngày”.
Theo anh Tùng, khi đưa bệnh nhân vào viện thường để số điện thoại cho người nhà để khi bình phục sẽ liên lạc quay ra chở. Tuy nhiên, khi người nhà và bệnh nhân trong quá trình làm thủ tục xuất viện thì lực lượng cò mồi đã nắm được thông tin, có số điện thoại để gọi mời thuê xe dịch vụ là đối tác của bệnh viện. Thông thường, mỗi chuyến chở bệnh nhân từ Hà Nội về Hà Tĩnh, nếu đi xe cứu thương là chiếc đã chở bệnh nhân ra, người nhà chỉ phải trả khoảng 2-3 triệu, nhưng nếu theo xe giới thiệu của “cò” phải chi 7-8 triệu cho mỗi chuyến.
“Tại một số bệnh viện như Bạch Mai, Viện Nhi, khi chúng tôi đưa xe cấp cứu tới đón bệnh nhân, sẽ có một người ‘chim mồi’ lại quan sát, khi thấy xe không có người ngồi trong thì lập tức báo bảo vệ không cho vào, trường hợp nào bất tuân thì sẽ bị đánh hoặc đập vỡ cửa kính xe”, lái xe cứu thương nói và cho hay đa số mọi người phải tuân theo và lui xe ra vì không muốn dính vào phiền phức.
Trước đó ngày 2.7, clip xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh tranh cãi giữa một bên là bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương với một bên là người nhà và tài xế xe cấp cứu biển kiểm soát 37A-136.12. Trên xe có một bệnh nhi đang hấp hối. Việc ngăn cản xe cứu thương ra của nhóm bảo vệ đã gây bức xúc dư luận. Công an quận Đống Đa đang xác minh vụ việc.
Bệnh viện chật, nhưng lại nhận trông xe Khi xảy ra vụ việc bảo vệ chặn xe cứu thương, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích khuôn viện bệnh viện chật hẹp nên không thể xe nào cũng tùy tiện ra vào. Thực tế, Bệnh viện Nhi dành một khoảng sân rộng ngay cạnh khu vực dừng đỗ của xe cứu thương để bảo vệ làm dịch vụ trông giữ ôtô ngày và đêm. Xe đỗ ban ngày có mức phí 30.000 đồng/lượt, quá 120 phút thu thêm lượt tiếp theo. Xe đỗ ban đêm là 90.000 đồng/lượt. Trong bãi gửi xe này thường xuyên có hàng chục ôtô được gửi dịch vụ. |