Dân Việt

Quảng Nam: Tiếng khóc nghẹn lòng sau lũ

Hồng Phong 18/11/2013 14:02 GMT+7
Lũ bất ngờ ập đến không những gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân Quảng Nam, mà nhiều gia đình còn bị cướp đi vĩnh viễn những người cha, người vợ, người con... Nỗi đau sau lũ đang hằn in trên những mái đầu lam lũ.
Sáng nay (18.11), phóng viên Dân Việt có mặt tại nhà của nạn nhân Dương Ngữ (57 tuổi, trú khối phố Ngọc Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), mới đầu cổng đã nghi ngút khói hương, những tiếng khóc nấc nghẹn của vợ con, cùng người dân khu vực tới viếng như đang đứt từng khúc ruột để chuẩn bị tiễn đưa nạn nhân về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người dân đến chia buồn và thắp nhang tiễn đưa nạn nhân Dương Ngữ.
Người dân đến chia buồn và thắp nhang tiễn đưa nạn nhân Dương Ngữ.

Ông Nguyễn Văn Trị - Khối phố trưởng khối phố Ngọc Nam - cho biết: "Gia đình ông Dương Ngữ thuộc hộ nghèo của phường, có 3 người con, 2 cô con gái đã lấy chồng xa, còn người con trai út là anh Dương Văn Tấn đang đi bộ đội ở Đà Nẵng. Chỉ có hai vợ chồng già sinh sống ở nhà và nuôi hai đứa cháu ngoại (hai vợ chồng ông Ngữ làm nông với hơn 5 sào ruộng). Khi nhận được hung tin, Tấn vội vàng xin phép về để tang bố".

Ông Trị kể tiếp: "Sáng 16.11, chúng tôi nhận được thông tin có một nạn nhân đang đi thu lưới ở khu vực sông Đầm sẩy chân bị nước cuốn mất tích. Chúng tôi vội báo cáo lên cấp trên và huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm, đến 15h45 cùng ngày mới tìm được thi thể nạn nhân ở độ sâu gần 5m và xác định đó là ông Dương Ngữ. Mấy hôm nay, chúng tôi liên tục cử lực lượng của khối phố túc trực ở nhà nạn nhân để phụ giúp gia đình tổ chức mai táng. Mong sao nỗi đau này sớm qua với gia đình bà Bảy...".

Bà Nguyễn Thị Bảy (59 tuổi, vợ nạn nhân Ngữ) khóc nghẹn, kể lại: "Chiều 15.11, ông Ngữ đi thả lưới ở sông Đầm về, nhưng chưa thu lưới, ổng nói để sáng mai thu luôn lần mới nhiều cá. Đến tối, tôi thấy trời mưa rất to, kèm hồ Phú Ninh xả lũ nên mực nước sông Đầm dâng lớn. Tôi có khuyên, thôi tấm lưới đó cũng cũ rồi, vả lại cá bủa lưới mấy hôm nay vẫn còn nhiều, ăn chưa hết. Nước lũ đang dâng lớn, sáng mai ông đừng có ra sông thu lưới rất nguy hiểm. Sau đó, hai vợ chồng đi ngủ.

Sáng sớm 16.11, tôi dậy đi nấu cơm sáng, ổng vẫn còn ngủ trên giường, đến khoảng 6h tôi không thấy ông Ngữ ở trong buồng, trong đầu chỉ nghĩ chắc ổng đi thu lưới chứ không ngờ là ra đi vĩnh viễn như vậy. Đến khoảng 7h30 khi tôi ngồi chờ ổng về để ăn cơm thì nhận được thông tin của người dân khu vực có một người đi thu lưới bị sẩy chân chết đuối ở sông Đầm. Lúc này, tôi như người mất hồn, bỏ hai đứa cháu nhỏ ở nhà chạy một mạch ra sông Đầm xem tình hình như thế nào.

Ra đến nơi, tôi như chết lặng khi nghe tin chính người sẩy chân bị nước cuốn trôi là chồng tôi. Cơn bão vừa qua nhà bị tốc mái, chưa kịp sửa chữa lại, ổng nói thôi để qua đợt lụt này sẽ đánh tranh lợp lại mái nhà bếp, miếng cơm sáng ổng cũng chưa kịp ăn, nay đã mãi mãi xa mẹ con tôi cùng mấy đứa cháu…”.

Người thân khóc nấc nghẹn bên quan tài của ông Dương Ngữ bị mất trong lũ.
Người thân khóc nấc nghẹn bên quan tài ông Dương Ngữ.

Không riêng gì trường hợp đau thương của nạn nhân Dương Ngữ, bi đát nhất là em Lê Ngọc Triều (SN 1996, trú thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; học sinh lớp 12, Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, huyện Đại Lộc). Theo đó, vào khoảng 10h ngày 16.11, dù nước lũ đang dâng cao, chảy xiết, sợ đàn vịt của mẹ nuôi bị nước cuốn trôi, em vội vàng băng mưa, lũ đi lùa đàn vịt ra đồng nơi cao ráo để thả, bất ngờ bị trượt chân xuống ống cống nước xoáy ở gần nhà. Khi người dân phát hiện và vớt lên thì Triều đã tử vong.

Bà Võ Thị Thúy Nguyệt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường, huyện Đại Lộc - cho biết: “Gia đình em Lê Ngọc Triều thuộc hộ nghèo của xã, bố của Triều là ông Lê Ngọc Ánh bị bệnh mất vào năm 2004, để lại ba mẹ con chị Bùi Thị Thu Thủy côi cút với mấy sào ruộng nuôi hai anh em Triều khôn lớn, em gái của Triều mới học lớp 9. Nay gia đình chị Thủy lại gánh thêm nỗi đau mất Triều, không biết gia đình sẽ như thế nào. Sau khi nhận thông tin, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 1,5 triệu đồng, UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ 4,5 triệu đồng, hiện xã đang kêu gọi giúp đỡ chị Thủy sớm vượt qua nỗi đau mất mát này, để làm lụng nuôi cháu Lê Thị Thủy Tiên thành người”.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn đến động viên gia đình em Lê Ngọc Triều.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn đến động viên gia đình em Lê Ngọc Triều.

Chiều qua (17.11), đoàn công tác Quân khu 5 do Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh Quân khu 5 - dẫn đầu đã về huyện Đại Lộc để kiểm tra tình hình thiệt hại cũng như công tác khắc phục lũ tại địa phương. Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cùng đoàn cũng đã đến động viên, chia sẻ mất mát với gia đình em Lê Ngọc Triều và hỗ trợ 3 triệu đồng.

Sáng nay (18.11), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phan Công Ry - Trưởng ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Ngay sau khi nhận thông tin về các nạn nhân tử vong trong lũ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam sáng nay tổ chức đi thăm viếng các gia đình nạn nhân, trước mắt Hội Chữ thập đỏ tỉnh trích nguồn kinh phí Quỹ cứu trợ khẩn cấp của hội hỗ trợ mỗi gia đình có người chết trong lũ 1 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ các gia đình bị nạn (kể cả chết và bị thương) sớm vượt qua nỗi đau sau cơn lũ lịch sử này”.