Vậy sai phạm cụ thể trong dự án nhạc nước này là gì? Như Dân Việt đã từng đề cập trong bài viết vào tháng 3.2016, công trình nhạc nước được coi là dự án trọng điểm về văn hóa nghệ thuật của TP.Hải Phòng với tổng mức đầu tư lên tới gần 200 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những công trình chào mừng 60 năm ngày Hải Phòng giải phóng, điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, công trình này đã khiến người dân phải lắc đầu chán nản bởi sự nhếch nhác, tạm bợ của nó.
Cảnh hoang tàn tại công trình nhạc nước.
Một quyết định vội vàng, khó hiểu
Dự án công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt có mức đầu tư lên tới 200 tỷ đồng, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, công trình có diện tích xây dựng gần 48.000m2, gồm các vòi phun nước được đặt trên bể thép nổi với chiều dài 112m, rộng 14m, kết hợp với ánh sáng từ hệ thống đèn LED và hệ thống âm thanh gồm 6 loa âm trầm được đặt dưới chân kè, 14 loa trung gắn trên các cột đèn. Hầu hết thiết bị được nhập khẩu nguyên bộ từ nước ngoài như Mỹ, Anh, Đức. Công trình nhằm chào mừng 60 năm ngày Hải Phòng giải phóng, điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Khác với các công trình nhạc nước ở trong nước hay nước ngoài, dàn nhạc nước Hải Phòng không được thiết kế theo dạng sân khấu, không có vị trí dành riêng cho người dân thưởng thức. Công trình nằm trong khu vực đông dân cư, liền kề 2 tuyến đường Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông đúc.
Theo tìm hiểu của PV, cuối tháng 10.2014, Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm (gọi tắt là Công ty Sơn Lâm, trụ sở tại Hà Nội), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tổ chức sự kiện trình bày ý tưởng thiết kế lắp đặt điện chiếu sáng Nhà hát Lớn TP.Hải Phòng, đèn trang trí một số tuyến phố và hệ thống nhạc nước kết hợp âm thanh, ánh sáng tại hồ Tam Bạc với lãnh đạo TP.Hải Phòng.
Ngay tại cuộc họp này, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng (sau là Bí thư Thành ủy Hải Phòng) đã kết luận: “Việc lắp đặt hệ thống nhạc nước kết hợp ánh sáng tại hồ Tam Bạc là rất cần thiết”.
Đầu tháng 11.2014, công trình nhạc nước được ông Dương Anh Điền ký quyết định giao cho Công ty Sơn Lâm làm chủ trì thiết kế, chủ trì thi công, với nguồn vốn xây dựng hệ thống nhạc nước được xác định là nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Nhưng điều khó hiểu là người dân Hải Phòng không hề biết, không hề được tham khảo ý kiến khi chính quyền quyết định triển khai một dự án lớn tiêu tốn cả hàng trăm tỷ đồng ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu tinh thần của chính họ(?).
“Bè” nuôi cá di động
Cùng thời điểm triển khai dự án công trình nhạc nước gần 200 tỷ đồng, Hải Phòng còn quyết định chi gần 30 tỷ đồng để lắp đặt dàn đèn LED trang trí trên các tuyến đường ở Hải Phòng. Thế nhưng, chỉ sau ba tháng rưỡi (từ Tết Nguyên đán - 2015 đến dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Hải Phòng - 13.5) hệ thống dàn đèn trên đã hư hỏng, buộc phải tháo dỡ, gây lãng phí lớn. Được biết hệ thống đèn LED này được UBND TP.Hải Phòng giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Nhà thầu cũng là Công ty TNHH Du lịch Sơn Lâm. |
Tuy được TP.Hải Phòng quảng cáo là “công trình văn hóa”, “đứa con tinh thần” của TP.Hải Phòng, nhưng theo nhiều người dân sống quanh hồ Tam Bạc thì từ khi được khánh thành, công trình nhạc nước chỉ thi thoảng mới hoạt động vào những ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật, với những khúc nhạc quen thuộc được phát đi phát lại.
Thực tế hiện nay, công trình nhạc nước gần 200 tỷ đồng là một khối boong-ke nổi giữa hồ không khác gì một “bè” nuôi cá di động. Đường dây điện của được bố trí loằng ngoằng; cầu dẫn từ nhà điều hành đến đài phun nước là một cái boong-ke lớn giữa hồ được làm bằng tre, gỗ tạm bợ trông rất mất thẩm mỹ.
Tại kỳ họp HĐND ở Hải Phòng ngày 15.7.2015, một số cử tri bức xúc cho rằng, xây dựng công trình nhạc nước hàng trăm tỷ gây lãng phí, dự án thực hiện có dấu hiệu khuất tất, công trình đang có nguy cơ “chết yểu”…
Trả lời chất vấn, ông Đoàn Duy Linh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng khẳng định: Không có khuất tất trong quá trình triển khai dự án nhạc nước.
“Toàn bộ máy móc nhập từ Mỹ, chúng tôi đã có chứng thư của Vinacontrol giám định nguồn gốc xuất xứ của máy móc, không phải nhập từ Trung Quốc”, ông Linh nói.
Gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên
Sau khi có đơn thư tố cáo từ người dân về những bất thường, khuất tất trong dự án này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc và ngày 11.7 đã có thông báo chính thức về vụ việc.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hải Phòng nhiệm kỳ 2010-2015 đã thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về chủ trương nghiên cứu phương án bố trí các đài phun nước, kết hợp ánh sáng, kỹ xảo nghệ thuật (Dự án nhạc nước), thực hiện không đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng đối với Dự án.
Đối với các ông: Dương Anh Điền, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP; Lê Khắc Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP; Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng: Các cá nhân này đã vi phạm Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19.4.2007 của Ban Bí thư khóa X, Quy chế làm việc của Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng UBND TP nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc quyết định phê duyệt đầu tư Dự án nhạc nước; thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện và vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chi phí, quản lý hợp đồng, lựa chọn nhà thầu.
“Những khuyết điểm, vi phạm của tập thể và cá nhân nêu trên dẫn đến Dự án nhạc nước còn dở dang, đến nay chưa thể nghiệm thu, thanh quyết toán, bàn giao, đưa vào sử dụng theo đúng mục tiêu, yêu cầu đã được phê duyệt, làm thất thoát, lãng phí cho ngân sách Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương”, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận và yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với Ban Cán sự Đảng UBND TP và tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đồng chí: Dương Anh Điền, Lê Khắc Nam, Đoàn Duy Linh.
Những hình ảnh PV ghi nhận tại công trình nhạc nước:
Nhìn từ xa, công trình nhạc nước 200 tỷ đồng như một chuồng nuôi cá di động nổi lềnh bềnh trên hồ Tam Bạc.
Toàn bộ thiết bị của nhạc nước được cho là nhập khẩu ở Mỹ, nhưng giờ đã có dấu hiệu bị han gỉ.
Cầu dẫn từ nhà điều hành đến đài phun nước làm bằng tre, gỗ tạm bợ, mất thẩm mỹ.
Đường dây điện của dự án trăm tỷ được bố trí loằng ngoằng, phản cảm.
Nhà điều hành nhếch nhác, tập kết đủ các loại phế thải.