Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công cho 3 anh em ruột từ 2-5 tuổi (trú tại thôn Tấu Lìn, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bị ngộ độc sau khi “chia nhau” thuốc diệt cỏ đựng trong chai Coca-Cola. Bệnh nhân nhập viện từ ngày 8.7 trong tình trạng nôn trớ dữ dội, hôn mê.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thu Hương (Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Tuyên Quang) cho biết, ngay khi các cháu nhập viện, được gia đình thông báo 3 cháu đã ngộ độc thuốc diệt cỏ nên các bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức, chăm sóc tích cực. Sau 4 ngày, các cháu đã hết sốt, không nôn trớ, tỉnh táo và bắt đầu ăn được.
Trẻ rất dễ uống nhầm hoá chất đựng trong chai nước ngọt. ẢNh: IT
Uống nhầm hoá chất đựng trong vỏ chai nước ngọt, nước khoáng là tai nạn khá thường xuyên ở trẻ. Các hoá chất thường bị uống nhầm rất đa dạng như rượu, cồn, axit, thuốc trừ sâu, thuốc diệt mối, dầu luyn, chất tẩy rửa, xà phòng… Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thi thoảng lại gặp 1 trường hợp hợp trẻ uống nhầm hoá chất như vậy. Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Ngọc M. (3 tuổi, trú tại Nam Định) đã nhập viện trong tình trạng nôn mửa, mặt tái dại. Gia đình cho biết, một người bác đã đựng axit vào vỏ chai nước C2 và để dưới gầm bàn. Bé M. vớ được đã ngửa cổ tu một hơi. Rất may axit loãng nên không bị loét miệng, thủng thực quản. Tuy nhiên, cũng đã có bé uống phải axit đặc nên tổn thương nghiêm trọng đường tiêu hoá. Trước đó, 1 bà mẹ ở Bắc Cạn đã đựng thuốc trừ sâu vào chai nước ngọt và để ở gầm bàn. Hai con của chị (1 đứa 3 tuổi, 1 đứa 4 tuổi) đã lấy uống và 1 bé đã tử vong.
Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư đã từng cấp cứu cho 1 bé 13 tháng (trú tại Tuyên Quang) do uống phải dầu luyn đựng trong chai nước ngọt. Lập tức, bé rơi vào tình trạng sốt cao, suy hô hấp, da tái, nhiễm trùng nặng. Tuy đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch, tuy nhiên sức khỏe của bé bị ảnh hưởng lâu dài.
Theo PGS –TS Nguyễn Tiến Dũng – chuyên gia nhi khoa, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em hiếu động, bồng bột, thích uống nước ngọt nên rất quen thuộc với các vỏ chai nước ngọt. Do đó, nếu cha mẹ đựng hoá chất vào các chai này, lại để trong tầm ngắm, tầm với của trẻ thì chắc chắn trẻ sẽ lấy uống. Các em thường cầm chai tu thẳng nên khi phát hiện ra chất lạ thì cũng đã uống được ít nhiều, hoá chất ngấm vào cơ thể, nặng thì tử vong, nhẹ cũng để lại nhiều di chứng về sức khoẻ.
“Cha mẹ tuyệt đối không đựng hoá chất trong các chai nước ngọt, hoặc có đựng cũng bóc nhãn mác và giấu kín, để lên cao tránh trẻ có thể lấy được. Đồng thời, nếu phát hiện trẻ uống nhầm hoá chất thì nên móc họng gây nôn và khẩn trương đưa đến cơ ở y tế gần nhất để được sơ cứu, rửa dạ dày, sau đó đưa lên tuyến trên để được điều trị tích cực. Khi đi nhớ mang theo chai hoá chất trẻ uống nhầm để các bác sĩ có hướng điều trị chính xác” – PGS Nguyễn Tiến Dũng |