Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Mộc Châu (Sơn La) đã cấp cứu 19 ca ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. May mắn tình trạng ngộ độc không nặng nên chưa có ca tử vong. Theo các bác sĩ, loại trừ các ca tự tử, các ca ngộ độc là do bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách.
Một ca cấp cứu tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai. Ảnh Diệu Linh.
Theo TS Phạm Duệ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có 8-9 hoá chất thường gặp, có thể chia các nhóm: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột. Đối với thuốc trừ sâu, việc ngộ độc thường xảy ra khi nông dân phụ thuốc mà không đảm bảo thực hiện bảo hộ lao động đúng cách, chỉ sử dụng nón lá, khăn bịt miệng bằng vải, quần áo cũ kỹ, thậm chí không mang găng tay, không đội mũ, bịt mặt. Nếu hít phải thuốc trừ sâu hoặc thuốc trừ sâu ngấm qua da đều có thể gây ngộ độc. Ngoài ra, tồn dư thuốc BVTV trên quả, rau ăn lá khiến người dân ăn phải cũng gây ngộ độc. Khá nhiều trường hợp người dân để thuốc trừ sâu vào chạn bát, tủ quần áo, đựng trong các chai nước ngọt, nước khoáng khiến trẻ tưởng là đồ ăn, nước uống nên đã sử dụng. Một số thuốc diệt chuột được làm dưới dạng viên có màu sắc, mùi vị hấp dẫn nên trẻ em tưởng là kẹo nhặt ăn và ngộ độc.
TS Duệ cũng cho biết, tuỳ từng thuốc BVTV sẽ có các triệu chứng ngộ độc riêng. Đơn cử như chất trừ sâu phospho hữu cơ, người ngộ độc có các triệu chứng da lạnh, tiêu chảy buồn nôn, khó có, có thể bị co cứng hoặc liệt cơ, rối loạn ý thức… Ngộ độc thuốc trừ sâu Nereistoxin sẽ có các triệu chứng tiêu chảy, nôn, nôn và đi ngoài ra máu dữ dội do bị hoá chất ăn mòn đường tiêu hoá, dẫn đến sốc, truỵ tim mạch; giãn mạch đỏ mặt hoặc toàn thân. Nếu qua được 2-3 ngày thì có thể xuất hiện suy tim, phù phổi, suy hô hấp, liệt cơ… nguy cơ tử vong cao.
“Đáng sợ nhất phải là thuốc trừ cỏ Paraquat. Đây là hoá chất có tác dụng ăn mòn, do đó gây huỷ hoại tế bào phổi, gan, tim dẫn đến suy đa tạng rất nhanh chóng sau vài giờ uống hoá chất này. Tỷ lệ tử vong của các ca ngộ độc Paraquat lên đến 70-90%. Các bệnh nhân ngộ độc Paraquat rất đau đớn vì hoá chất ăn mòn lục phủ ngũ tạng. Ngay cả những bệnh nhân được cấp cứu qua cơn nguy kịch thì chất độc vẫn tiếp tục phá huỷ cơ thể và bệnh nhân đành đợi chết sau 2-3 tuần” – TS Diệu phân tích.
Theo TS Duệ, mỗi hoá chất có cách giải độc khác nhau. Do đó, người nhà phải mang theo chai lọ đựng hoá chất để bác sĩ biết và xử lý chính xác. Nếu ngộ độc qua tiếp xúc thì người nhà cần cởi bỏ quần áo của bệnh nhân, thậm chí tắm gội để tẩy rửa chất độc. Nếu ngộ độc qua đường uống, bệnh nhân chưa nôn, còn tỉnh thì người nhà cần gây nôn để loại trừ bớt hoá chất trong đường ruột bằng cách móc họng hoặc dùng tăm bông ngoáy họng. Sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được sơ cứu và có các chỉ định điều trị.