Hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam
Tòa Trọng tài Thường trực LHQ (PCA) vừa ra phán quyết Trung Quốc không có căn cứ pháp lý khi tuyên bố quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong "đường lưỡi bò" 9 đoạn mà nước này vạch ra ở Biển Đông. Phán quyết được dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Trong bản phán quyết, PCA cũng tuyên bố không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo thành vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Trung Quốc; và Trung Quốc đã gây tổn hại vĩnh viễn và không thể khắc phục ở hệ sinh thái rạn san hô ở quần đảo Trường Sa.
Phán quyết cũng viết Bắc Kinh đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia này khi "can thiệp việc đánh bắt thủy sản và khai thác dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển này".
Theo Reutes, trong phán quyết dài 497 trang, các thẩm phán cho biết lực lượng tuần tra biển của Trung Quốc đã liều lĩnh va chạm với tàu cá Philippines ở Biển Đông.
Người dân Philippines ngày 12.7 biểu tình tại thủ đô Manila phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho rằng phán quyết này là bất hợp pháp và không có cơ sở, theo BBC. “Trung Quốc không chấp nhận cũng không thừa nhận phán quyết", Tân Hoa Xã đưa tin.
Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, chính phủ Philippines cho biết họ rất tôn trọng quyết định mang tính cột mốc này và đây là một đóng góp quan trọng đối với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Philippines cũng kêu gọi các bên kiềm chế và đúng mực trước phán quyết này.
Trung Quốc từ lâu ngang ngược đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông dựa theo "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" trong một tấm bản đồ không có cơ sở pháp lý từ những năm 1940.
Philippines kiện Trung Quốc lên PCA từ năm 2013, vì cho rằng yêu sách "đường lưỡi bò" vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần phải được bác bỏ. Theo Philippines, một số rạn san hô, bãi ngầm do Trung Quốc chiếm đóng không được coi là có lãnh hải hoặc làm căn cứ để tuyên bố có lãnh hải.
Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa và nhiều lần khẳng định nước này sẽ không chấp nhận bất kì phán quyết nào của tòa án quốc tế ở The Hague, nói rằng tòa án không có thẩm quyền quyết định tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia.