Dân Việt

1m vuông đất vườn giá... 2.000 đồng!

26/10/2011 13:22 GMT+7
(Dân Việt) - “Họ đền bù chúng tôi 1m vuông đất vườn chỉ có 2.000 đồng nhưng họ tích nước thì hào phóng, chẳng mấy chốc là nhấn chìm hết nhà cửa chúng tôi”.

18 hộ dân ở Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) nêu lý do khiến họ khởi kiện UBND huyện và chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 là EVN.

Bây giờ thì toàn bộ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của 18 hộ dân này đã chìm sâu trong lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2. Tất cả phải thuê nhà sát mặt đường ĐT 616 sống tạm và chờ sự phân xử của TAND huyện Nam Trà My.

img
Toàn bộ khu dân cư thôn 6, xã Trà Dơn đã chìm dưới nước hồ Thủy điện Sông Tranh 2

1m2 đất vườn 2.000 đồng

Phần lớn trong số 18 hộ này là những người ở dưới xuôi tham gia làm đường giao thông ĐT 616 ngay sau 1975 rồi ở lại khai hoang lập làng ở đây.

Ông Huỳnh Ngọc Trác (48 tuổi), một trong 18 hộ, nhớ lại: “Nơi đây ngày trước heo hút, chỉ có rừng là rừng, bà con phải đổ bao nhiêu công sức trong hàng chục năm trời mới tạo dựng nên làng xóm, nương rẫy, ruộng vườn... Vợ chồng tôi cũng vậy, làm lụng quần quật nhiều năm, phát từng bụi cỏ tranh, lau lách, để tạo ra vườn trồng cây ăn quả, trồng cây lâu năm, nương rẫy, rừng kinh tế. Nhờ đó mà chúng tôi xây được 2 ngôi nhà, con cái học hành ổn định.

Vậy mà giờ đây cả hai ngôi nhà bị chìm sâu dưới lòng hồ, không còn thấy đâu ra dấu tích, thật là đứt ruột. Vợ chồng, con cái phải sống tạm sống bợ trên đường...”.

Theo ông Trác, cuộc sống ở đây diễn ra êm ả cho đến tháng 3.2006 - thời điểm EVN khởi công xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2. Công trình này chiếm gần 2.500ha đất, bao trùm lên nhiều địa bàn ở cả Bắc Trà My và Nam Trà My.

“Việc chính quyền địa phương bảo chúng tôi phải đi để lấy chỗ làm thủy điện, chúng tôi ai cũng tuân thủ. Nhưng chúng tôi xót xa là việc đền bù tài sản cho chúng tôi lại quá bèo bọt, không thể sống tiếp tục với khoản đền bù đó” - lời ông Trác.

Theo 18 hộ này, ban đầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương kiểm kê, áp giá bồi thường hỗ trợ, ai có đất ở nằm sát mặt đường ĐT 616 được đền bù 30.000 đồng/m2, còn xa mặt đường ĐT 616 25m chỉ 28.000 đồng/m2. Người dân khiếu nại liên tục mới nâng lên 84.000 đồng/m2 và 70.000 đồng/m2.

Ông Phan Văn Bửu, 1 trong 18 hộ, cay đắng: Tôi không hiểu họ nghĩ sao mà đất vườn chỉ đền bù có 2.000- 5.000 đồng/m2; đất liền kề 5.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm, hàng năm 10.000 đồng/m2...? Họ áp giá thật thấp, đến khi khiếu nại thì họ nâng thêm vài nghìn đồng hoặc vài chục nghìn đồng/m2, cứ như mua bán ở chợ.

“Để khai hoang được một mảnh vườn, một vạt đất ở vùng cao với đồi dốc chót vót này, chúng tôi phải bỏ biết bao nhiêu công sức, tiền của ra thuê xe múc, xe ủi ở dưới đồng bằng lên làm. Vậy mà khi kiểm kê, áp giá bồi thường, cả nhà đầu tư và chính quyền địa phương lại coi nhẹ không, tính quá bèo bọt” - lời ông Bửu.

Tất cả chìm trong nước

Vì không chấp nhận giá đền bù như vậy nên ngày 5.10, 18 hộ dân đã gửi đơn kiện UBND huyện Nam Trà My - cơ quan ban hành quyết định đền bù - ra TAND huyện. Trong khi bà con đang chờ đợi sự giải quyết của tòa thì ngay sau đó, nơi họ sinh sống bị nước dâng ngập.

Theo một công văn của Thủy điện Sông Tranh 2 gửi Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam, vào 9 giờ ngày 23.10, mực nước (do tích nước) trong lòng hồ là 174m, chỉ còn 6m nước nữa là bằng với đỉnh cao trình - 180m. Chỉ cần ở mực nước 174m thì hầu như toàn bộ diện tích trong lòng hồ đã bị ngập nước. Như vậy, việc 18 hộ dân cho rằng tài sản họ bị chìm trong lòng hồ do thủy điện tích nước không phải là không có căn cứ.

“Họ đền bù thì bèo, nhưng họ tích nước làm ngập lòng hồ để đẩy nhanh tiến độ công trình thì quá hào phóng, mạnh mẽ, khiến chỉ sau vài ngày, nhà cửa, đất đai của chúng tôi chìm trong biển nước” - ông Trác nói.

Theo 18 hộ này, chính việc tích nước của thủy điện đã gây ngập tài sản của họ. Và do quá bức xúc, họ lại tiếp tục làm đơn kiện Tập đoàn Điện lực VN - chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị quyết định việc tích nước - ra TAND huyện địa phương.

“Hiện nay, 18 ngôi nhà của chúng tôi, trong đó có những ngôi nhà xây đã bị chìm sâu trong nước, còn nhà làm bằng gỗ thì trôi lững lờ giữa dòng sông. Hiện chúng tôi đang thuê nhà ở tạm trên tuyến đường ĐT 616 sát đó để ở tạm và chờ đợi phán quyết công minh từ TAND huyện” - ông Bửu nói.

Theo người dân, việc cùng lúc phải kiện cả chính quyền và một tập đoàn kinh tế lớn của đất nước như vậy là điều họ không muốn. “Chúng tôi chỉ muốn được đền bù hợp lý để tìm một nơi khác tái định cư chứ không muốn kiện cáo ai. Nhưng tình thế buộc chúng tôi phải vậy” - ông Bửu gay gắt.