Triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu về” gồm 17 bức tranh của ông Vũ Xuân Chung sưu tập, vừa được khai mạc ngày 10/7/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã vướng lùm xùm tranh giả, tranh thật.
Ông Chung cho biết 17 bức tranh này ông mua từ ông Jean François Hubert - một chuyên gia thẩm định tranh Việt Nam tại sàn đấu giá Christie’s Hong Kong. Mỗi bức tranh ông mua đều có giấy xác nhận của ông J. F. Hubert.
Tuy nhiên, khi đến xem triển lãm tận mắt nhìn những bức tranh này nhiều người trong giới hội họa đã cho rằng, 15/17 tranh được triển lãm là tranh giả hoặc tranh kém chất lượng, không đạt chuẩn…??
Không chỉ từ triển lãm này mà các tác phẩm của 3 nhóm bộ tứ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương( MTĐD) bị làm giả ở các phòng tranh, các phiên đấu giá ở thị trường tranh quốc tế luôn là nghi vấn không có một giải đáp thật sự khoa học và thuyết phục hàng mấy chục năm nay, gây ảnh hưởng không ít đến giá trị thật của các bức tranh, được xem như bảo vật của mỹ thuật Việt Nam.
Tranh giả làm giảm giá trị thực của tranh thật.
Còn nhớ vào tháng 2/2011, một vụ hủy hoại tranh khá hi hữu ở Hà Nội, họa sĩ Văn Thơ đã dùng con dao nhọn rạch vào bức tranh “Ông công nhân già” tại Gallery Viet Fine Arts ở Tràng Tiền vì đó là tranh giả mạo tác phẩm của ông, và cũng do chính ông phát hiện.
Trước đó, tác phẩm gốc đã được chính ông gửi bán tại Gallery này. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Gallery Viet Fine Arts bán tranh đạo tác phẩm của ông. Vụ việc này chỉ là một trong số rất nhiều các vụ xâm phạm bản quyền trái luật đã và đang xảy ra với rất nhiều tác giả, tác phẩm tạo nên sự bức xúc trong giới hội họa và dư luận hàng bao năm nay.
Đi xa hơn nữa, đó là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khách du lịch phương Tây khi đến Việt Nam cực kỳ yêu thích tranh “Phố Phái” của Họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhu cầu mua tranh “Phố Phái” tăng đột biến, và những nhà buôn nhanh chóng tìm ra các tác phẩm mà Bùi Xuân Phái không từng vẽ nhưng vẫn mang tên tranh “Phố Phái”.
Nhưng mặc nhiên không có ai đứng ra chịu trách nhiệm về các sản phẩm giả đó và cũng không có cơ quan đại diện nào đứng ra giúp phân biệt thật giả của bức tranh. Không biết có phải vì thế mà tranh của Bùi Xuân Phái có hiếm tác phẩm nào vượt ngưỡng 100 ngàn USD, khi mà những tên tuổi cùng đẳng cấp với ông trong khu vực đã có giá leo thang chóng mặt.
Mới đây, tại phiên đấu giá “Nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á” ngày 4/4/2016 của nhà Sotheby's ở Hong Kong, giới họa sĩ Việt hết hồn với tác phẩm Nativité (Giáng sinh, gouache trên lụa, 44,5 x 29,5 cm, 1943), được cho là của Lê Phổ. Trong đó ghi chú và lời giới thiệu rất hay, nhưng giá bán khá rẻ, từ 16- 24 ngàn USD, chỉ bằng 1/10 của hai phiên đấu giá trước.
“Giáng sinh” (mực và gouche trên lụa, 58 x 44 cm, 1941) khác của Lê Phổ đã từng xuất hiện tại nhà đấu giá Borobudur (Singapore) ngày16/5/2010 với giá khởi điểm từ 214.286- 285.714 USD. Sau đó, tại phiếu đấu ngày 30/5/2011 của nhà Christie’s (Hong Kong), tác phẩm có giá khởi điểm từ 192.300 - 256.400 USD.
Gần hơn, tại phiên đấu giá của nhà Auction.fr ngày 12/5/2016 cũng khiến nhiều chuyên gia mỹ thuật Việt bức xúc. Hai bức tranh “Jeunes femmes prenant le thé”(Thiếu nữ uống trà, gouache và mực trên lụa, 59 x 80 cm, không rõ năm sáng tác) được cho là của Vũ Cao Đàm, “La recreation”(Ra chơi, mực và bột màu trên lụa bồi, 36 x 24 cm, không rõ năm sáng tác), được cho là của Mai Trung Thứ.
Theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, gần 100% danh họa Việt Nam, đặc biệt là 3 nhóm bộ tứ MTĐD (khoảng 20 gương mặt) đã có tác phẩm bị làm giả, làm nhái. Đây cũng là lý do chính khiến tác phẩm Việt chưa thể vượt ngưỡng 1 triệu USD tại các phiên đấu giá, dù lịch sử và phẩm chất nghệ thuật hoàn toàn đủ cho điều đó.
Tranh thật của các danh họa Việt Nam, nhất là của họa sĩ MTĐD hiện tại còn lại rất hiếm, không phải dễ có được, lại lưu lạc ở khắp nơi, nên nếu nhà sưu tập nào hay Gallery nào có thì giá cực kỳ cao. Chính vì thế một số chủ Gallery bắt đầu sao chép tranh của những họa sĩ tên tuổi để bán với giá rẻ, và nó đã trở thành "nghề" , thành sản phẩm của không ít Gallery tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, đi dọc phố Nguyễn Thái Học, không khó để tìm một cửa hàng bán tranh, phong phú cả về thể loại lẫn giá cả. Những bức tranh giá trị của lịch sử mỹ thuật Việt Nam như: "Thiếu nữ bên hoa huệ" (Tô Ngọc Vân), "Em Thúy" (Trần Văn Cẩn), "Chơi ô ăn quan" (Nguyễn Phan Chánh), "Thiếu nữ và hoa sen" (Nguyễn Sáng), tranh phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái, tranh con giống của Nguyễn Tư Nghiêm... xuất hiện nhan nhản.
Ngoài ra còn một lọai tranh giả mà thật, bởi nhiều lý do(chỉ có tác giả biết), chính họ sao chép lại tác phẩm đã nổi tiếng của mình để bán- tặng…, và vì thế có nhiều phiên bản trôi nổi trên thị trường hay trong các bộ sưu tập cá nhân của các gallery, nên mới xảy ra trường hợp tranh nào cũng được xác nhận là thật.
Nhưng cũng vì khi sao chép lại, cảm xúc thăng hoa không còn như lúc vẽ bản gốc nên thần thái thậm chí đường nét đã không còn như xưa, chưa tính bản gốc đã không còn, chỉ sao chép theo trí nhớ nên có đôi chỗ sai lệch, và thế là trở thành tranh giả, bởi phong cách của họa sĩ không phải thế, tranh thật không có nét thô nét vụng nét thừa như thế….
Thật- giả khó mà lý giải thuyết phục nên cần sự thẩm định không chỉ của những người trong nghề có kinh nghiệm mà còn cần đến khoa học công nghệ để thẩm cho chính xác.
Thẩm định tranh cần sự chuyên nghiệp
Quay trở lại triền lãm tranh “Những bức tranh từ châu Âu về”, khi giới họa sĩ cho rằng có tới 15/17 tranh là giả, 2 tranh còn lại thì giả- thật tỉ lệ 50/50? Nhưng tất cả đều không có một chứng cơ khoa học nào để chứng minh tranh giả, chỉ là nhận xét theo cảm tính và kinh nghiệm của chính mình.
Xem bức “Vườn chuối”, họa sĩ Nguyễn Quang Vinh (Đại học Mỹ thuật TPHCM) cho rằng “chỉ có thể là một sự báng bổ nghệ thuật”. Còn họa sĩ Ngô Đồng: “Nhìn thấy ái ngại quá!”; Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa: “Cay đắng”. Bức “Rồng”- Nguyễn Tư Nghiêm (sơn mài, 80 x 120 cm, 1974) cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thường vẽ con giáp theo từng năm mang tên con giáp đó, nhưng năm 1974 không phải năm Rồng, trong khi cùng bố cục và cách vẽ, bức có tên “Múa rồng” thường được biết đến với chất liệu bột màu trên giấy, ký tên năm Bính Thìn 1976. Bức Múa vòng (sơn mài, 50 x 58 cm, 1980) và Hai cô gái (sơn mài, 59 x 39 cm, 1984), nhìn tạo hình thô vụng, sai tỷ lệ, vẽ như thế này thì khó để gọi Nguyễn Sáng là danh họa…
Giải thích cho việc này, lãnh đạo Bảo tàng cũng chỉ đưa ra một lý do rất “giấy tờ”: "Quy trình thực hiện các buổi triển lãm là người triển lãm sẽ đến đăng ký và nộp lại một bộ hồ sơ theo quy định. Dựa trên hồ sơ này, bảo tàng sẽ có cơ sở để đánh giá, xem xét về nội dung triển lãm, chất lượng nghệ thuật.
Sau đó, hội đồng khoa học bảo tàng sẽ xét từng tính nghệ thuật, nếu như đạt được tiêu chí mà bảo tàng đưa ra thì bảo tàng sẽ có biên bản họp hội đồng và đánh giá nhận xét về cái tác phẩm sau đó có một văn bản gửi về Sở Văn hóa Thể thao đề xuất thời gian triển lãm và giấy phép”.
Nhưng “Hội đồng khoa học” của bảo tàng gồm Ban giám đốc, cán bộ quản lý các phòng, họa sĩ…: “Để xác định các tác phẩm là thật hay giả, nguyên gốc thì chưa đủ cơ sở, chỉ ở mức độ nào đó. Vì vậy, Bảo tàng yêu cầu bên nộp hồ sơ phải cam kết tranh đó là tranh thật. Ngoài cam kết này còn bằng sự tin tưởng, tin cậy và bằng tất cả văn bản mà phía đối tác có, bằng uy tín trong giới nghệ thuật".
Nhắc lại chuyện xưa, những năm cuối của thập niên 1990, khi mỹ thuật Việt đang có sức hút trên thị trường quốc tế, nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s đã cử chuyên gia đến TPHCM để tìm hiểu việc lập văn phòng tại đây. Nhưng sau một thời gian ngắn họ đã rút lui, chỉ vì Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở đời sống và pháp lý để mở một phiên đấu giá đúng bài bản, trong đó có một phần quan trọng, là không có chuyên gia hay một Hội đồng khoa học nào có thể thẩm định chính xác tác phẩm để có thể định giá và tránh nhầm lẫn.
Để xác định một tác phẩn hội họa hay mỹ thuật là giả hay thật nói chung, nhất là với các tác phẩm giá trị thẩm mỹ cao, lâu năm, hoặc thuộc về ‘cổ vật”, rất cần có một cơ quan chuyên nghiệp và chuyên môn thẩm định. Trong đó có các Chuyên gia kiểm định có trình dộ kiền thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ cao (chất liệu, độ xác thực, niên đại); Chuyên gia lịch sử mỹ thuật; Nhà phê bình; Giám tuyển (curator); Và kèm theo cả một số phòng giám định có các phương tiện kỹ thuật cao để có thể thẩm định chính xác tác phẩm giả- thật. Những phương tiện này còn là cơ sỡ để sau phục chế hay sửa chữa các tác phẩm bị hư hỏng theo thời gian…
Về Luật- cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có những điều khoản quy định rõ ràng về tác giả- tác phẩm- chứng nhận lý lịch tác phẩm- số lượng tác phẩm- bản gốc- bản sao- bảo hiểm tác phẩm và bản quyền…
Có như thế thì khi xác định tác phẩm là giả- thật mới thuyết phục và mới trả lại giá trị thật của tác phẩm./.