Dân Việt

Trường mầm non miền núi cũng... quá tải!

Công Xuân 14/07/2016 06:40 GMT+7
Nhu cầu cao hơn gấp 5-7 lần so với số lượng mà các trường mầm non thông báo tuyển, vì vậy nhiều phụ huynh của các bé 3 tuổi ở trung tâm các huyện miền núi Quảng Ngãi đành ngậm ngùi gạt bỏ mong ước xin cho con vào học bán trú.

Trẻ nhiều, tuyển ít

Dù đã cố gắng vận dụng mọi mối quan hệ quen biết nhưng chị X.H (35 tuổi), ở  thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, đành bất lực trong việc mua hồ sơ để xin cho đứa con trai sắp lên 3 tuổi của mình vào học bán trú Trường Mầm non Họa Mi (Trường Họa Mi), ở tại thị trấn miền núi này. Chị X.H kể: "Chồng đi công tác xa, còn tôi thì đang công tác ở xã bên cạnh. Trước đây con tôi còn nhỏ nên gửi cho bà ngoại trông giúp, nhưng giờ cháu đã lớn và đến tuổi đến trường nên tôi định xin cho con vào Trường Họa Mi. Tuy nhiên số lượng người xin vào quá đông, trường lại bán hồ sơ quá ít nên đành chịu".

img

Do cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp, Trường mầm non Hương Cau chỉ nhận bán trú cho các cháu ở 1/4 thôn của xã Sơn Mùa.  Ảnh: C.X

Hiện Trường Họa Mi đã xuống cấp, khuôn viên phòng học chật hẹp, trong khi nhu cầu người dân gửi con cháu vào học bán trú tại đây rất lớn, vì vậy địa phương đã có văn bản gửi cấp thẩm quyền của tỉnh đề nghị xây lại ở vị trí mới, rộng và khang trang hơn”.

Ông Đặng Ngọc Dũng

Cơ hội xin con vào học bán trú của chị X.H xem như đã khép lại, trong khi việc đưa con đi gửi học ở các điểm lẻ trực thuộc của trường này thì không thể, bởi nơi gần nhất cũng cách trung tâm 2km, lại không có bán trú và 10 giờ 30 sáng đã tan trường, các bậc phụ huynh phải đón con về, đầu giờ chiều lại đưa đi. Với giờ giấc như thế nên chị X.H và nhiều cán bộ đang sinh sống tại trung tâm huyện Sơn Hà rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Bà Nguyễn Thị Hồng Thư - Hiệu trưởng Trường Họa Mi cho biết: "Năm học 2016-2017, trường dự kiến có tổng số 370 cháu, trong đó học ở điểm trường chính tại thị trấn Di Lăng khoảng 200 cháu, còn lại là ở 8 điểm lẻ trực thuộc. Từ 4.7, trường đã bán hồ sơ để tuyển các cháu 3 tuổi vào điểm trường chính, với 24 hồ sơ, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế của người dân ở khu vực trung tâm. "Với điều kiện cơ sở vật chất hiện tại, điểm trường chính chỉ có thể tiếp nhận khoảng 25 cháu 3 tuổi. Dù vậy trường đã cố gắng hết sức để nhận thêm 9 cháu nữa" - bà Thư bày tỏ.

Địa phương “bó tay” ?

Tương tự, Trường Mầm non Hương Cau ở khu vực trung tâm huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cũng đang phải từ chối rất nhiều mong muốn của các bậc phụ huynh. Với các cháu ở độ tuổi từ 3-4, trường này cũng chỉ tuyển nhận bán trú cho số cháu của các gia đình sinh sống ở 1/4 thôn của xã Sơn Mùa, với tổng số khoảng 158 cháu.

Trao đổi với phóng viên về tình trạng bất cập này, ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây tâm sự: "Đối với số trẻ 3-4 tuổi, nhu cầu của người dân ở xã trung tâm (xã Sơn Mùa) gửi vào Trường Mầm non Hương Cau ước cao gấp 5-7 lần. Thế nhưng với điều kiện thực tế hiện có của trường này, dù chúng tôi có muốn cũng không đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh".

Ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Bí thư huyện Sơn Hà cho biết thêm: “Khu vực trung tâm huyện là thị trấn Di Lăng có 2 trường mầm non là 17.3 và Họa Mi. Tuy nhiên hiện trường Họa Mi đã xuống cấp, khuôn viên phòng học đều chật hẹp. Trong khi nhu cầu của người dân gửi các cháu vào học bán trú tại đây rất lớn, vì vậy địa phương đã có văn bản gửi cấp thẩm quyền tỉnh đề nghị xây lại ở vị trí mới rộng và khang trang hơn".