Dân Việt

Hội Luật gia Châu Á - TBD kêu gọi tôn trọng phán quyết Toà Trọng tài

Hằng Phạm 13/07/2016 21:07 GMT+7
Hiệp hội Luật gia Châu Á – Thái Bình Dương (COLAP) kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài nhằm mục đích duy trì an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.

Tuyên bố của COLAP nêu rõ: Tòa Trọng tài của Liên Hợp Quốc đã ra phán quyết về vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa  Philippines và Trung Quốc, trong đó đã bác bỏ yêu sách về các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với vùng biển được Trung Quốc gọi là “đường chín đoạn” và tuyên bố về quy chế pháp lý của một số khu vực theo đề nghị của Phillipines căn cứ theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã kéo dài hơn 20 năm qua. Trước khi tranh chấp được đệ trình lên Tòa Trọng tài của Liên Hợp Quốc vào năm 2013, các bên đã nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, đa phương và giữa các nước trong khu vực.

Hiệp hội Luật gia Châu Á – Thái Bình Dương (COLAP) kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài nhằm mục đích duy trì an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực.

img

 Chúng tôi cũng lưu ý rằng hai nước (Philippines và Trung Quốc) có quan hệ ngoại giao tốt đẹp lâu dài trong hơn 4 thập kỷ qua và hi vọng rằng mối quan hệ đó sẽ trở nên tốt đẹp hơn kể cả khi có phán quyết của Tòa.

COLAP kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng các chế tài của Liên Hợp Quốc và/hoặc thông qua các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các bên cần tôn trọng nhau trên tinh thần bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết.

Nhân dịp này, Hiệp hội Luật gia châu Á – Thái Bình Dương một lần nữa nhắc lại Hiến chương của Liên Hợp Quốc rằng “Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không gây tổn hại đến công lý, hoà bình và an ninh quốc tế” và “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình.”

         Cuối cùng, Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương muốn nhấn mạnh: trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, tất cả các cá nhân nói riêng và các quốc gia nói chung đều có sự liên hệ gắn kết mật thiết. Một bất ổn nhỏ tại khu vực cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến hòa bình, an ninh toàn cầu. Do vậy, để đảm bảo sự hòa hợp, cùng tồn tại và phát triển giữa con người với con người và rộng hơn là giữa các quốc gia, các tranh chấp cần phải được xử lí thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) với sự tham gia của các thẩm phán, công tố viên, luật gia từ 20 nước Châu Á - Thái Bình Dương, được thành lập tại Hội nghị Luật gia Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 6 tại Kathmandu, Nepal (17-19/6/2016); 05 hội nghị trước đã được tổ chức tại  New Delhi, Ấn Độ (1988), Tokyo, Nhật Bản (1991), Hà Nội (2001), Seoul, Hàn Quốc (2005) và Manila, Philippines (2010) thông qua sáng kiến ​​của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL).

         Các hội nghị này thảo luận rộng rãi về những thách thức đối với các dân tộc và các phong trào tại Châu Á - Thái Bình Dương có liên quan đến hòa bình, nhân quyền, phát triển, dân chủ, đoàn kết quốc tế, chủ quyền, quyền tự quyết và các vấn đề khác. Kết quả của các hội nghị này đã được ủng hộ mạnh mẽ bởi các tổ chức, các phong trào trong khu vực và đã được sử dụng trong các chiến dịch của họ.
         Hiệp hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) được thành lập với mục tiêu tăng cường và củng cố các kết quả từ các hội nghị này. Nhiệm vụ của COLAP là thúc đẩy hòa bình và phát huy quyền con người, quyền tự quyết của các dân tộc trong khu vực. COLAP cũng hy vọng sẽ tăng cường hợp tác và đoàn kết không chỉ giữa các luật gia và các dân tộc ở châu Á và Thái Bình Dương, mà còn trên khắp thế giới.

         Về cơ cấu, Hiệp hội có Chủ tịch (ông Jitendra Sharma, Luật sư Ấn Độ), 04 Phó Chủ tịch; Tổng thư ký (ông Jun Sasamoto, Luật sư Nhật Bản); Ban thư ký.