Được sự đồng ý của ông Lê Minh Hoan, Dân Việt xin đăng nguyên văn bức thư này - bức thư như sư tri ân của người dân đối với công lao của một lão nông suốt ¼ thế kỷ vì dân phục vụ...
Ông Mai Văn Đâu (trái) trong một lần đi xây cầu
“Bí thư Tỉnh ủy gửi thư chia buồn đến gia đình ông Mai Văn Đâu
Rồi thì điều không ai mong chờ cũng đã đến: Chú Mai Văn Đâu (Hai Đâu), Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - Một trong những ngọn cờ đầu tiêu biểu của phong trào thiện nguyện của tỉnh nhà đã vĩnh viễn chia tay gia đình, người thân và tất cả chúng ta trong niềm tiếc thương vô hạn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc và lời tri ân chân thành nhất đến Gia đình Chú. Mọi sự ra đi vĩnh viễn đều đem lại sự đau lòng cho những người ở lại, nhưng sự ra đi này là nỗi đau buồn khôn xiết cho cả xóm làng và mảnh đất này.
Suốt 25 năm qua, dù chưa được học qua trường lớp nào về cầu đường, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó tự tìm tòi học hỏi, chú Hai đã cùng bà con mình bắc trên 70 cây cầu gỗ và xây trên 70 cây cầu bê tông qua những con sông, rạch chằng chịt ở quê hương và trên nhiều nẻo đường của tỉnh nhà, giúp cho người dân đi lại thuận tiện, đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà không quản công sức, không nhận về mình một đồng tiền công nào.
Công việc thiện nguyện của Chú bắt đầu vào những năm 1980, khi còn là thợ sửa chữa máy nổ. Duyên số cũng tình cờ và giản đơn: "Vào những ngày mưa, bão thấy mấy đứa nhỏ đi học đường xá lầy lội, khó khăn nên tôi rủ anh em trong xóm mướn ghe lên tận Châu Đốc chở đá về rải, vậy là qua mấy mùa đường xá vẫn sạch trơn. Mùa nước lên bà con phải qua lại trên những chiếc cầu khỉ hoặc bằng xuồng rất bất tiện, anh em tụi tui vận động bà con trong xã, người góp tiền, người góp công để làm cầu. Thấy việc làm có ích nên ai cũng hưởng ứng nhiệt tình, rồi dần trở thành một phong trào phát triển rộng khắp... ". Cảm động khôn xiết khi nghe lại những lời tâm nguyện của một người luôn sống "tốt đời - đẹp đạo", chan chứa nghĩa tình.
Ngoài việc xây dựng cầu đường, Chú còn vận động xây cất nhà tình thương, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tổ chức bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện... trị giá hàng chục tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động. Ghi nhận công lao cống hiến của Chú, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân và các ngành, các cấp trong tỉnh đã tặng thưởng rất nhiều danh hiệu thi đua cao quý... Nhưng một danh hiệu còn cao quý hơn là hình ảnh một người làm nhiều việc lớn sẽ sống mãi trong lòng bà con Định Yên, trên khắp nẻo đường mà Chú từng bước chân đến và để lại những công trình góp phần tô điểm cho cuộc sống tươi đẹp này.
Một ngày cuối năm 2010, tôi cùng với Chú tham dự Đại hội thi đua yêu nước làn thứ VIII tại Hà Nội. Biết Chú khó có dịp trở ra miền Bắc lần nữa nên tôi gợi ý Chú nên ở lại đi tham quan các danh lam thắng cảnh. Tôi nói sẽ thu xếp công việc để ở lại đi cùng cho vui. Suy nghĩ hồi lâu, Chú trả lời dứt khoát: "Thôi, tôi phải trở về liền vì ở nhà đang đóng nọc trụ cầu, lo mấy cháu làm không chắc chắn, rồi không kịp để bàn giao cho bà con!". Vậy đó, không một ngày nghỉ ngơi đúng như tâm sự của Chú: "Làm riết rồi quen, ngày nào không đến công trình lại thấy buồn không chịu được!". Tình người và tình quê, chân chất và đôn hậu, đã thắm đẫm trong tâm tưởng của Chú, chú Hai Đâu kính mến!
Sự ra đi của Chú để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, gia đình, cộng sự, cán bộ, đảng viên và bà con nhân dân tỉnh nhà. Vì bận dự Hội nghị Trung ương không đến viếng được, tôi xin gửi vài dòng chia buồn cùng Gia quyến với sự tri ân sâu sắc để tiễn đưa Chú về nơi an nghỉ cuối cùng!
Xin kính cẩn nghiêng mình trước một tấm gương lớn: chú Hai Đâu!”
Bức thư của Bí thư Lê Minh Hoan đã nói đầy đủ về con người, nhân cách ông Hai Đâu.
Báo Điện tử Dân Việt xin giữ nguyên từ “Chú” mà Bí thư Lê Minh Hoan viết hoa. Cảm ơn Chú vì 140 nhịp cầu nối những bờ vui mà Chú đã để lại cho đời.