Đó là phát biểu của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại buổi tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2016 – 2020 giữa TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng sáng 15.7.
Ông Đinh La Thăng cho rằng ký kết hợp tác không phải để hàng năm đến thăm hỏi nhau
Ông Thăng nhận định TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực với nhau, tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng và mong muốn cả tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM cần cố gắng khắc phục những hạn chế, tồn tại để phát triển. Để làm việc đó cần làm rõ thế mạnh của Lâm Đồng là gì và TP.HCM là gì, qua đó có kế hoạch tập trung đầu tư sâu, tránh tình trạng buổi tổng kết sau 5 năm lại có câu đánh giá “chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh”.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng những nội dung hợp tác của hai địa phương rất toàn diện, không chỉ phục vụ yêu cầu trước mắt mà còn cả lâu dài, quán triệt ý nghĩa sâu sắc Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nghị quyết của Đảng bộ hai địa phương.
“Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói Nghị quyết thì rất tốt rồi, chương trình và giải pháp đều đã có, vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện thế nào? Chúng ta ký kết với mục đích hợp tác cùng phát triển, chứ không phải để hàng năm đến thăm hỏi nhau”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Thăng cũng đề nghị chính quyền hai địa phương xem việc gì giải quyết được cần làm ngay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp phát triển là sự thành công của TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, hiện vấn đề gây khó khăn cho việc phát triển của TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng chính là giao thông trong đó quan trọng nhất là đường bộ và đường không.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM mong muốn có đường cao tốc nối giữa TP.HCM và Lâm Đồng để nông dân ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) sáng thu hoạch rau, trái cây thì buổi trưa người dân TP.HCM đã được thưởng thức rau sạch, trái cây tươi.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa TP.HCM và Lâm Đồng
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng trong các lĩnh vực hợp tác hai địa phương thì ngành nông nghiệp thu được kết quả khá tích cực. Ngành nông nghiệp hai địa phương thường xuyên trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực như phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật và bảo vệ thực vật, sản xuất và tiêu thụ hoa, rau củ quả an toàn. Hiện Lâm Đồng cung cấp 60% lượng rau và 30% lượng hoa tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời ông Tiến mong muốn trong thời gian tới TP.HCM hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, kiểm định vệ sinh ATTP và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ quản bá về thương hiệu sản phẩm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, trong giai đoạn 2010 – 2015 tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 29 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cho những nhà đầu tư TP.HCM, đưa tổng số dự án do nhà đầu tư TP.HCM đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng lên 61 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1500 tỷ với diện tích đất sử dụng hơn 10.000ha. Hiện có 52 dự án đang triển khai, 14 dự án đã đưa vào hoạt động một phần và tiếp tục đầu tư, 6 dự án hoàn thành. |