Khuôn mặt đứa con thơ chưa đầy ba tuổi lằn đỏ những ngón tay của Mai. Thằng bé vừa đau, vừa sợ, khóc không thành tiếng, khiến bà nội nó thắt cả ruột gan song vẫn không dám dang tay ra bế cháu, bởi vừa mới đây thôi, chỉ vì nó cứ nhoài người đòi theo bà mà mẹ nó nổi cơn thịnh nộ, vừa đánh con vừa quát: “Con nhà mất dạy này, mẹ đang bế trên tay còn đòi theo người khác à?”.
Bà rơm rớm nước mắt bước vội vào phía trong, không đành lòng nhìn đứa cháu bé bỏng bị biến thành nơi để “rửa hận”, để trút những tức giận vô lý... Mai hả hê vì đã chọc tức được mẹ chồng. Cô còn muốn bà phải đau lòng nhiều hơn thế, phải day dứt vì từng làm cô tổn thương, phải nếm trải cảm giác ấm ức mà cô phải chịu đựng.
Ngày Tùng đưa Mai về ra mắt gia đình, bố mẹ Tùng kịch liệt phản đối, nhất là mẹ. Bà chê Mai xuất thân quê mùa, không xứng với cậu con trai thông minh, lanh lợi và sự giàu có của nhà bà. Viện lý do hai tuổi khắc nhau, nếu cố tình nên duyên, sau này sẽ gặp nhiều trục trặc, bà tìm gặp Mai thẳng thắn yêu cầu “buông tha” cho Tùng.
Mai rất hận, song không tỏ ra vô lễ mà thái độ vẫn dịu dàng, hiền hậu. Cô động viên Tùng lựa lời thuyết phục gia đình. Cuối cùng, mẹ Tùng phải “xuống thang” vì sự quyết liệt bảo vệ tình yêu của con trai. Đám cưới được tổ chức trong sự đắc thắng của Mai. Cô thầm nhủ sẽ không bao giờ bỏ qua cho mẹ chồng. Cô sẽ tìm cơ hội “trả đũa” bà.
Tuy từng phản đối cuộc hôn nhân này nhưng khi đã là người một nhà, mẹ chồng Mai thay đổi thái độ, chẳng những không lạnh nhạt với con dâu mà còn tạo điều kiện cho vợ chồng cô phấn đấu bằng cách thu vén nhà cửa chu đáo, tươm tất, quan tâm tới sức khoẻ của các con. Nhưng điều đó chẳng khiến Mai cảm động, chẳng dập tắt được ngọn lửa căm hận âm ỉ cháy trong cô.
Ngay từ những ngày đầu về làm dâu, Mai đã “khiêu chiến” với mẹ chồng. Nhiều lần mẹ chồng dọn cơm lên bàn gọi ra ăn, Mai ngúng nguẩy đòi chồng chở đến nhà bạn bè chơi hoặc gọi điện rủ đồng nghiệp ra nhà hàng thưởng thức món nọ, món kia. Mai cười thầm khi thấy tiếng thở dài cùng ánh mắt hụt hẫng của bà vì cất công cả buổi chiều nấu nướng những món bổ dưỡng, hợp khẩu vị của Tùng.
Sau khi sinh con, Mai càng thể hiện sự “trả miếng”. Không hỏi ai, Mai thuê hẳn một người đến phục vụ mẹ con cô. Vì là con đầu cháu sớm nên cả gia đình ai cũng vồ vập, vỗ về bé. Song hễ mẹ chồng động tay giúp việc gì Mai lại mặt nặng mày nhẹ: “Mẹ cứ để đấy con sai người ta, mẹ nhúng vào làm gì cho bẩn tay”.
Mẹ chồng bế ẵm, gần gũi cháu thì Mai tỏ ra khó chịu rồi kiếm cớ để giằng đứa bé ra khỏi vòng tay bà. Hết chế độ nghỉ đẻ, Mai kiên quyết hằng ngày đem đứa con bốn tháng tuổi đi gửi nhà người ta, mặc cho bố mẹ chồng tha thiết đề nghị để cháu cho ông bà trông nom. Tùng can thiệp thì Mai viện lý do ông bà đã có tuổi, mà việc chăm sóc con trẻ rất vất vả nên cô không đành lòng để họ chịu khổ.
Tùng làm kinh doanh bận rộn suốt ngày, bản tính lại phóng khoáng không hay để ý, cũng chẳng thấy mẹ chồng - nàng dâu to tiếng nên không hay biết khoảng cách giữa vợ và mẹ mình ngày một sâu thêm. Anh chỉ nhận ra điều đó khi Mai “giận cá chém thớt”, trút hậm hực xuống đầu đứa con trai thơ ngây, bé bỏng. Mai đánh con mỗi khi nó mếu máo đòi theo bà. Mai không cho con chơi đồ chơi ông bà mua hoặc bực bội quát tháo con một cách vô lý mỗi khi có sự hiện diện của mẹ chồng...
Đã có lần Tùng nhẹ nhàng nói với vợ: “Em đừng cố chấp với quá khứ mà ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại. Hãy nghĩ thoáng hơn một chút thì mọi việc sẽ tốt hơn”. Nhưng Mai không thay đổi, ngày càng quá đáng. Điều đó khiến Tùng thất vọng và không kiềm chế nổi dù vốn rất điềm tĩnh.
Anh giận dữ chỉ tay vào mặt vợ trong một lần bắt gặp cô đánh con “chọc tức” mẹ chồng: “Nếu cô còn cư xử như một kẻ vô học khiến mẹ phải đau lòng, con bị tổn thương thì hãy bước ra khỏi cuộc đời tôi”.
Chẳng biết Mai còn nhận ra lỗi lầm của mình và khắc phục nó trước khi “bão tố” ập đến?