Dân Việt

Diễn biến tâm lý bất thường vụ trao nhầm con ở Bình Phước

Tùng Anh 16/07/2016 13:00 GMT+7
Việc gia đình nhận nhầm con (Bình Long, Bình Phước) không chịu “trao đổi” đứa con bị nhầm lấy đứa con “máu mủ” khiến dư luận kinh ngạc. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn: Đó là vì họ chưa thể tin nổi sự thật, tình cảm yêu thương với đứa con mà họ nuôi nấng 3 năm đã vượt lên cả lý trí...

Theo ông Chất, thông thường, tâm lý chung của tất cả các bậc cha mẹ là không ai muốn nuôi con của người khác cả, trừ trường hợp là họ không có con. Nhưng, trong sự việc này, gia đình người S’tieng nhất quyết không muốn đổi con lại là một diễn biến tâm lý rất đặc biệt, bất thường, một “ca” tương đối khó.

img

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn.

Ông Chất phân tích, có rất nhiều điểm khiến họ không đủ tin tưởng và thuyết phục để trả lại con. Việc thử ADN là một bằng chứng, nhưng họ có thể đặt ra câu hỏi: Việc thử ADN có chính xác không? Họ không được tham gia quá trình này nên hoàn toàn có thể nghi ngờ.

 “Trong thời điểm mọi thông tin đều rất khó chấp nhận, tình cảm vượt lên trên lý trí, sự gắn bó yêu thương đứa trẻ lấn át sự minh mẫn, họ hoàn toàn có thể nghĩ ra rất nhiều lý do, kể cả lý do vô lý nhất, để từ chối sự thật. Thậm chí gia đình kia cũng đã từng nói: “...Nếu như ông ngoại bé kia không phát hiện thì mọi việc đã... êm đẹp rồi”. Tức là thâm tâm họ không muốn chấp nhận sự thật này, mặc dù chắc chắn là rất muốn nhận lại con đẻ của mình” - ông Chất phân tích.

Ông Chất cho rằng, trong trường hợp này, gia đình phát hiện ra nhầm lẫn cần nhờ cậy những người có uy tín thuyết phục giúp gia đình kia hiểu ra và chấp nhận sự thật một cách dễ dàng hơn.

“Đừng chỉ chăm chú vào bằng chứng ADN mà cần tìm hiểu tâm lý của gia đình họ, họ có những khúc mắc ở điểm nào để tháo gỡ. Gia đình không chỉ có bố mẹ đứa trẻ, còn ông bà, anh em họ hàng..., đó là những “kênh” hoàn toàn có thể can thiệp được” - ông Chất nói.

img

Kết quả phân tích ADN. (Ảnh: Afamily)

Để tránh chấn động tâm lý giữa cả bố mẹ và những đứa trẻ, tốt nhất sau khi hai gia đình đã nhận con ruột thì nên giữ mối quan hệ qua lại thường xuyên. Nuôi một đứa trẻ trong 3 năm đầu đời là khoảng thời gian gắn bó nhất và phát sinh tình cảm nhiều nhất đối với các bậc cha mẹ, chính vì vậy không thể bất ngờ... “ai về nhà nấy” được.

“Hai gia đình hãy nên coi 2 đứa trẻ như anh em ruột thịt, coi gia đình mình có thêm 1 đứa con nữa. “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, tôi tin rằng họ sẽ thấy tâm lý nhẹ nhàng hơn nếu làm được điều này” - ông Chất khuyên.

“Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc nhầm lẫn con sau khi sinh tại bệnh viện. Nhưng vụ việc phức tạp này thêm một lời cảnh tỉnh cho các cơ sở y tế, các bệnh viện sản, các y, bác sĩ sản khoa... cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong chuyên môn và có biện pháp cải thiện kỹ thuật chăm sóc để tránh xảy ra sự nhầm lẫn đáng tiếc, làm tổn thương tấm lý cho nhiều bên, đặc biệt là những đứa trẻ non nớt, ngây thơ” - ông Chất cảnh báo.

Theo tin báo chí đưa, từ tháng 5.2016, chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi, ngụ khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) đã gặp một bé gái giống mình nên nảy sinh nghi ngờ. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, đứa con chị đang nuôi không có gene của cả hai vợ chồng, còn cô bé “giống mình” mới là con ruột. Tuy nhiên, khi chị đòi đổi lại con thì vợ chồng đang nuôi con đẻ của chị (người S’tieng) lại không chấp nhận. Đến nay, chị Trang vẫn chưa đòi được con về nên đang dự định khởi kiện để đòi con.