Dân Việt

Đảo chính đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ qua lời kể của Đại sứ Việt Nam

H.A 16/07/2016 17:00 GMT+7
Đại sứ Phạm Sanh Châu- Vụ trưởng vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao đã cùng đoàn cán bộ ngoại giao có chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ vào đúng thời điểm diễn ra cuộc đảo chính đẫm máu ở đây.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đã kể lại những khoảnh khắc kinh hoàng mà ông và đoàn Việt Nam đã trải qua trên trang facebook cá nhân của mình. Được sự đồng ý của ông, Dân Việt trích đăng những chia sẻ của Đại sứ Phạm Sanh Châu.

Đảo chính: Tiếng máy bay gào xé bầu trời pha tạp với tiếng cầu kinh

Đảo chính quân sự diễn ra tại Istanbul, Ankara...Thổ Nhĩ kỳ khi Tổng thống đang đi vắng. Súng đang nổ, xe tăng và máy bay quân đội đang kiểm soát các địa điêm chính của thành phố Istanbul. Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp 39 Uỷ ban Di sản Thế giới (UBDS TG)gồm 25 người gồm Bộ Ngoại giao (4 người), Bộ VHTT&DL (3 người), Hà Nội (5 người), Thừa Thiên Huế (3 người), Ninh Bình (5 người), Quảng Bình (3 người), Thanh Hoá (2 người) tạm thời an toàn.

Tiếng súng đang nổ liên tiếp và rất to trước khách sạn. Tiếng người hò hét, tiếng chân chạy rầm rập. Tiếng máy bay gào xé bầu trời pha tạp với tiếng cầu kinh vang lên từ các thánh đường. Người thì xuống đường ủng hộ chính phủ, người thì chạy sơ tán. Xe cộ mắc kẹt trên một số tuyến đường. TV đưa hình ảnh đánh bom một số nơi, xe tăng kiểm soát một số vị trí trọng yếu.

img

Có kênh lại đưa hình ảnh bắt được một số lính nổi dậy. Đoàn Quảng Bình và Thanh hoá đang kẹt tại sân bay do không thể lên chuyến bay dự kiến 2:20 sáng do sân bay bị phong toả.

Đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Văn hoá vừa kịp về khách sạn sau khi dự cơm tối của Đại sứ Thái Lan mời. Đoàn Hà Nội mới sang họp do chênh giờ nên đi ngủ sớm. Đoàn Huế và Ninh Bình tạm an toàn. Hiện nay Việt Nam đang là một trong 21 thành viên UBDS TG, cơ quan quyền lực nhất trên lĩnh vực di sản, được coi như Hội đồng Bảo an của Văn hoá có quyền quyết định công nhận hay không công nhận một di sản quốc gia là di sản thế giới, quyết định đưa một di sản vào danh sách hiểm nguy.

Đây là nhiệm kỳ đâu tiên trong lịch sử 40 năm gia nhập Unesco của Việt Nam. Rất vinh dự và trách nhiệm thể hiện uy tín và quyền lực quốc gia nên đoàn Việt Nam không thể tuỳ tiện rời về nước trong khi 2400 đại biểu của hơn 150 nước đang có mặt ở Istanbul và hàng triệu người theo dõi hội nghị qua mạng trực tuyến để nghe Việt Nam và các nước thành viên khác trao đổi thảo luận về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đoàn sẽ chờ đến sáng mai xem Unesco có quyết định huỷ cuộc họp đang diễn ra hay không? Trước phiên họp, sau vụ khủng bố gần đây tại Istanbul, Unesco cho biết chính quyền Thổ khẳng định sẽ bảo đảm an toàn cho các đại biểu tham dự.

Mong sớm ngày về...

Sáng 16.7 (theo giờ Istanbul):

Chợp mắt được ít giờ sau một đêm kinh hoàng. Tỉnh dậy vội ngó qua cửa khách sạn để tìm thông tin mới nhất. Thành phố vắng tanh mặc dù đã gần trưa. Giờ này hàng ngày chúng tôi đang trong hội nghị và đường phố thường rất nhộn nhịp đông đúc.

Đêm qua Ban thư ký Unesco đã gửi email khẩn cấp thông báo hoãn họp cho đến khi có tin tức mới. Đoàn Việt Nam vẫn an toàn trong 5 khách sạn khác nhau. Sân bay đã mở cửa và một vài máy bay được phép cất cánh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cùng anh em trong đoàn Thanh Hoá vẫn chờ ở sân bay. Các anh đã trải qua một đêm khiếp sợ hơn với cảnh hỗn loạn, dẫm đạp. Nỗi ám ảnh của đợt khủng bố tại sân bay mấy tuần trước giết hơn 40 người vẫn đè nặng lên từng người.

Giám đốc Hoàng Thành Thăng long Trần Việt Anh báo cáo đoàn Hà nội an toàn trải qua một đêm với máy bay gầm rú làm rung cửa sổ. Đêm qua ký ức của thời Hà Nội hàng đêm tránh bom trong quá khứ lại tràn về. Nỗi sợ không lớn nhưng lo lắng cho từng thành viên làm tôi đứng nằm không yên. Đoàn đông, nhiều bộ, tỉnh, thành, gồm nhiều Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND hoạt động trên phạm vi rộng và tranh thủ gặp nhiều đối tác.

img

Đại sứ Phạm Sanh Châu  (thứ hai từ trái sang), đang cùng đoàn Việt Nam có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin liên lạc có lúc gián đoạn. Các anh lại không thông thuộc địa bàn. Lực lượng đảo chính triển khai quân ngay gần trung tâm hội nghị. Quần chúng ào ạt xuống đường theo lời kêu gọi của Tổng thống "không gì cao hơn quyền lực của nhân dân" và quảng trường nơi chúng tôi ở Taksim trở thành bãi chiến trường.

Không khác gì mỗi lần chính biến ở quảng trường Bastille Paris thời Cách mạng Pháp. Nhân dân vây xe tăng, lính bắn trả. Đến nay hơn 80 người được tin đã chết, hơn 800 quân lính đã bị bắt.

Một Đô đốc, 5 vị tướng và 14 đại tá đã bị bắt. Tình hình vẫn chưa hoàn toàn ổn định khi lực lượng đảo chính vẫn chiếm giữ một số doanh trại và nguy hiểm hơn vẫn đang kiểm soát một sô máy bay trực thăng. Không riêng gì Việt Nam mà chính phủ và nhân dân hơn 100 nước đang hướng về Istanbul vì ở đó có rất nhiều các vị Bộ trưởng, Đại sứ, Tổng lãnh sự các nhà ngoại giao, các chuyên gia hàng đầu đang dự họp Khoá họp 40 của UBDS Thế giới.

Trong cơn hoạn nạn này mới thấy tình đồng bào thật đáng quí. Tuỳ viên thương mại tại Istanbul Lý Quốc Thịnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Ankara đã thức cả đêm cập nhật tình hình và hỗ trợ Trưởng đoàn xác định vị trí và độ an toàn của từng thành viên.

Trong nỗi sợ, nỗi lo và có lúc mất phương hướng, niềm tin lại được khẳng định bởi chính những cán bộ ngoại giao trẻ như vậy.

Trời Istanbul vẫn rất trong xanh, không một áng mây và thời tiết cực đễ chịu. Tiếng kinh cầu vẫn vang lên rất lớn. Không biết đằng sau vẻ thanh bình đó hiểm hoạ nào chờ đợi chúng tôi. Nhớ lời chúc của Đại sứ Sri Lanka và các Đại sứ bạn tại Hà Nội trước lúc đoàn lên đường "cẩn thận nhé và bình an trở về".

Mong sớm ngày trở về !