Trên là chia sẻ của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Triệu Thị Huyền (ảnh, Yên Bái) - ĐBQH trẻ nhất khoá XIV khi trao đổi với Dân Việt trước thềm kỳ họp thứ 1.
Trước thềm kỳ họp thứ 1, chị có điều gì gửi gắm?
Đại biểu trẻ chất vấn tại nghị trường Quốc hội (ảnh minh hoạ). Ảnh: I.T
- Tôi được Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khóa XIV khi mới chỉ 24 tuổi, đó là niềm vinh dự rất lớn. Vượt qua 3 vòng hiệp thương, được cử tri tín nhiệm với số phiếu bầu trên 86%, điều đó khiến tôi hết sức vui mừng và tự hào. Càng vinh dự và tự hào hơn khi tôi biết mình là người trúng cử trẻ tuổi nhất trong số 496 người trúng cử ĐBQH khóa XIV.
Tôi xin được gửi lời cảm ơn đến các cử tri đã tin tưởng ủng hộ tôi. Tôi cũng nhận thấy đây là trách nhiệm vô cùng lớn lao của bản thân đối với cử tri. Trúng cử ĐBQH khi tuổi còn quá trẻ, tôi biết là mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để rèn luyện phẩm chất đạo đức cũng như không ngừng nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu của một người đại biểu, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri.
Chị đã tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội và kỹ năng chất vấn tại nghị trường như thế nào để tránh sự bỡ ngỡ?
- Trước khi tham gia ứng cử ĐBQH, tôi cũng đã dành thời gian để tìm hiểu về các hoạt động của Quốc hội, về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội. Tôi cũng tìm hiểu kỹ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người ĐBQH. Qua các phương tiện thông tin, tôi đã theo dõi tìm hiểu hoạt động của các anh chị ĐBQH trẻ tuổi ở khóa XIII như anh Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), chị Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước)... cũng như các đại biểu có những phát biểu, góp ý gây ấn tượng với cử tri.
Qua sự tìm hiểu này, tôi rút ra một điều rằng, người ĐBQH muốn có được những đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải dành thời gian và sự nhiệt huyết cho công việc, phải có sự am hiểu kỹ về vấn đề muốn góp ý. Bên cạnh đó là sự đeo bám đến cùng vấn đề mình theo đuổi. Và điều quan trọng là luôn lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của cử tri.
Theo chị, để trở thành đại biểu của nhân dân, thì đâu là yếu tố cần và đủ?
- Điều cốt lõi nhất là người ĐBQH phải là cầu nối vững chắc để truyền tải phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với các cơ quan chức năng, góp phần thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Muốn vậy phải có sự tiếp xúc thường xuyên với người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.
Tôi là người trẻ, lợi thế của sức trẻ luôn là sự nhiệt tình, năng động, hăng say với công việc. Trúng cử ĐBQH đối với tôi cũng là bắt đầu bước vào trường học lớn. Thước đo của sự thành công chính là ở cử tri và nhân dân.
Trong hoạt động của mình chị có kế hoạch gì để đưa nhiều tiếng nói hơn của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những người dân ở vùng sâu vùng xa?
- Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nhà nói riêng. Đồng thời tôi sẽ nắm bắt về những chính sách phát triển kinh tế - xã hội hiện đang được thực hiện ở vùng dân tộc miền núi và vùng nông thôn để kịp thời cùng với Đoàn ĐBQH của tỉnh đề có những đề xuất góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Nói đến đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những người dân ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống của họ vẫn còn không ít những khó khăn. Trong hoạt động sắp tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian với việc đi thực tế tới các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để gặp gỡ, tiếp xúc với các cử tri để lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và tiếp thu những ý kiến của họ và truyền tải đến với Quốc hội cũng như các cơ quan có thẩm quyền. Việc đi thực tế tôi nghĩ mình cũng sẽ có cơ hội để học tập, tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn cho cuộc sống cũng như trong công việc.
Xin cảm ơn chị (!)
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa XII Tân đại biểu có quyết tâm cao Thời tôi làm ĐBQH phải mất gần 2 năm mới quen được hoạt động của nghị trường. So với những khóa trước, các ĐBQH khóa XIV có thuận lợi hơn. Trước khi kỳ họp thứ nhất diễn ra, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức tập huấn cho những đại biểu trúng cử lần đầu tiên tham gia hoạt động của Quốc hội. Nội dung tập huấn rất cơ bản như kỹ năng thu thập xử lý thông tin, kỹ năng lập pháp, kỹ năng giám sát, kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tiếp xúc với báo chí. Tôi được mời làm báo cáo viên tham gia các buổi tập huấn, qua tiếp xúc, trao đổi với các tân đại biểu thấy họ tỏ ra phấn khởi và thể hiện sự quyết tâm cao trước khi bước chân vào nghị trường. ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy (tỉnh Phú Thọ): Đi thực tế nhiều để nắm bắt nguyện vọng nhân dân Số ĐBQH trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) của khóa XIV là 71 người, cao hơn 21 người so với dự kiến và tăng 1,9% so với ĐBQH khóa XIII, tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ này. Với kinh nghiệm là người trẻ (SN 1985-PV) từng tham gia Quốc hội khóa XIII, tôi có một số vấn đề muốn trao đổi với những ĐBQH trẻ của khóa XIV. Thứ nhất là đại biểu trẻ kinh nghiệm hoạt động nghị trường cũng như hiểu biết xã hội sẽ ít hơn so với các ĐBQH có tuổi. Chính vì thế đại biểu trẻ cần phải tập trung thời gian nhiều hơn để nghiên cứu tài liệu, nghiên cứu các dự thảo luật trình ra Quốc hội. Thứ hai, các đại biểu trẻ cần tham gia các cuộc tập huấn do Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, ở đó sẽ được tập huấn các kỹ năng phát biểu, kỹ năng lập luận, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng chất vấn... điều này rất là quan trọng. Đại biểu cần phải đi thực tế nhiều để biết được yêu cầu, nguyện vọng của dân. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Nhiều vấn đề cử tri quan tâm Cử tri và nhân dân rất kỳ vọng vào Quốc hội khóa XIV. Quốc hội khoá XIV, nếu xét về trình độ học vấn thì rất nhiều đại biểu trúng cử có bằng cấp cao (gần 63% trình độ trên đại học). Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ có nhiều đổi mới, có nhiều đóng góp cho tình hình đất nước hiện nay. Hiện tại, cử tri, nhân dân đang rất quan tâm các vấn đề: Ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tham nhũng, lãng phí, đầu tư công, nợ công... Ngọc Lương (ghi) |