Dân Việt

3 vấn đề cần làm rõ trong phiên phúc thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước

Tiến Mạnh 18/07/2016 07:30 GMT+7
3 vấn đề cần làm rõ tại phiên tòa lần này, đó là hình phạt cho hai tội danh Giết người, Cướp tài sản của Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại; mức độ liên quan của bà Trần Thị Trinh (dì ruột Nguyễn Hải Dương) trong vụ án 6 người ở Bình Phước.

1. Xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tử hình của bị cáo Vũ Văn Tiến

Ở phiên tòa hồi năm ngoái, luật sư Lê Văn Nam (Đoàn luật sư Bình Phước, người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến) nhất trí với Viện kiểm sát về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Tiến về 2 tội danh: Giết người và Cướp tài sản theo quy định tại các Điều 93, Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nam cho rằng, Tiến là một “công cụ”, “phương tiện” nằm trong kế hoạch giết người của Nguyễn Hải Dương vì nắm được tâm lý, tính cách của Tiến; vì bản thân Tiến không thể tự chủ, thiếu đi bản lĩnh và sự quyết đoán cần có nên Dương mới có thể lợi dụng, sai khiến Tiến để rồi chỉ sau một đêm, biến Tiến từ một người hiền lành, lương thiện trở thành kẻ sát nhân, trở thành đồng phạm với Dương về tội danh Giết người; cần thiết phải xem xét đến động cơ, mục đích của bị cáo Tiến.

img

Bị cáo Vũ Văn Tiến.

Luật sư Nam đưa ra 5 tình tiết quan trọng để Hội đồng xét xử lưu tâm, xem xét, cân nhắc khi định tội, lượng hình, cụ thể:

1. Bị cáo Tiến phạm tội trong hoàn cảnh bị Nguyễn Hải Dương lôi kéo, lừa gạt, khống chế về mặt tinh thần, bị đặt vào tình thế đã đành, không thể thoát ra;

2. Bị cáo Tiến đã có ít nhất 5 lần tỏ thái độ không đồng tình, từ chối thực hiện, khuyên bị cáo Dương nhưng vì thiếu bản lĩnh nên bị Dương liên tiếp áp đảo tinh thần, buộc phải thực hiện tội phạm;

3. Động cơ, mục đích của bị cáo Tiến giúp sức cho bị cáo Dương khống chế các nạn nhân để tra hỏi tiền, chứ bị cáo Tiến không biết ý định của bị cáo Dương là sát hại các nạn nhân, không lấy tài sản;

4. Bị cáo Tiến không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân; không biết; không bàn bạc; không lên kế hoạch; không chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội, không có ý định giết người;

5. Bị cáo Tiến có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, thiếu tự chủ; nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình giàu truyền thống cách mạng, có công với đất nước…

Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay (18.7), luật sư Lê Văn Nam tiếp tục là người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến. Ông cho rằng, án tử hình đối với bị cáo Tiến là quá nặng và ông sẽ đưa ra 5 quan điểm để bào chữa cho bị cáo của mình.

- Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực sự quan tâm, xem xét đến tính chất, mức độ tham gia thực hiện tội phạm giữa người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội với đồng phạm bị dồn vào thế buộc phải thực hiện việc phạm tội.

- Theo quan điểm của tôi, Tiến đã bị Dương cưỡng bức về mặt tinh thần dẫn đến phạm tội. Bản thân bị cáo Dương thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình trong vụ án, trong đó có cả việc đe dọa Tiến bằng hành động để uy hiếp tinh thần.

- Tôi cũng không đồng tình với quan điểm, việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng như hành vi phạm tội có tính chất man rợ, côn đồ. Dương là người trực tiếp ra tay sát hại cả sáu nạn nhân, Tiến chỉ giữ vai trò giúp sức, không trực tiếp tước đoạt đi mạng sống của bất kỳ ai trong vụ án này.

- Về tình tiết giảm nhẹ, tôi cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận cho bị cáo Tiến được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng chưa thực sự lưu tâm, cân nhắc khi lượng hình, mà vẫn áp dụng hình phạt cao nhất đối với Tiến.

- Tòa án cấp sơ thẩm chưa quan tâm, xem xét đến tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa để giảm mức án cho bị cáo Tiến.

2. Tăng mức hình phạt với bị cáo Trần Đình Thoại

Theo cáo trạng, ngày 4.7.2015, Dương rủ Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ với mục đích giết người, cướp tài sản và Thoại đồng ý. Dương bàn bạc với Thoại việc chuẩn bị công cụ phạm tội, kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội.

Khuya cùng ngày, Dương và Thoại đến nhà ông Mỹ nhưng do cháu Dư Minh Vỹ không ra mở cửa nên không thực hiện được hành vi giết người, cướp tài sản như kế hoạch. Cả hai bàn nhau đi về và ngày hôm sau tiếp tục đến nhà ông Mỹ để gây án.

img

Bị cáo Trần Đình Thoại.

Trên đường về, Thoại bàn với Dương là Thoại sẽ mua thêm 1 con dao Thái Lan để ngày mai đi tiếp và được Dương đồng ý. Đến tối ngày 5.7.2015, Thoại mua 1 con dao Thái Lan đưa cho Dương nhưng sau đó nói bà ngoại bệnh nên không đi được.

Trong đơn gửi TAND tỉnh Bình Phước và TAND Cấp cao tại TP.HCM, gia đình bị hại đồng ý với mức án của Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và chưa đồng tình với mức án 16 năm tù mà TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên đối với bị cáo Trần Văn Thoại.

Họ cho rằng, Thoại chính là người đi mua dao cho Dương để thực hiện hành vi giết 6 người. Thoại đã bàn bạc rất kỹ về kế hoạch giết người, cướp của nhưng vì lý do khách quan, Thoại chưa thực hiện được hành vi của mình.

Trong đơn kháng cáo, đại diện gia đình bị hại đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên mức án chung thân với bị cáo Thoại.

3. Xem xét mức độ liên quan của bà Trần Thị Trinh

Yêu cầu này được gia đình bị hại nêu trong đơn kháng cáo để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Trong cáo trạng dài 22 trang của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước có nêu: “Đối với Trần Thị Trinh cùng đi với Dương đêm ngày 3.3.2015 đến nhà ông Mỹ, cho Dương mượn xe, mượn mũ bảo hiểm vào đêm ngày 4.4.2015 và ngày 6.7.2015, nhưng Dương không bàn bạc kế hoạch, ý định thực hiện tội phạm với Trinh.

Do vậy, Trinh không biết được các hành vi của mình là giúp sức cho bọn Dương phạm tội. Sau khi Dương thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản, Trinh cũng không biết vụ án xảy ra do bọn Dương phạm tội nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Trinh là đúng quy định của pháp luật”.

img

Bà Trần Thị Trinh.

Tuy nhiên, theo gia đình bị hại, Trinh là người giúp sức cho Dương ra tay giết người, cướp tài sản vì trước khi gây án bà Trinh có đi cùng với Dương xuống Bình Phước và lúc này Dương có mang theo ba lô chứa công cụ gây án. Xong việc, cả hai trở về và ba lô này được Dương gửi cho bà Trinh cất giữ tại nhà.

Gia đình bị hại cho rằng, việc bà Trinh không biết ba lô của Dương có chứa hung khí gây án là điều khó hiểu và cần làm rõ.

Trong phiên tòa phúc thẩm, bà Trinh được tòa triệu tập với tư cách là người có liên quan đến vụ án nhưng vào ngày 24.6, người phụ nữ này đã có đơn xin hoãn tham gia phiên tòa vì lý do vừa mới xin con nhỏ, sức khỏe yếu.