“Trách nhiệm của một bộ trưởng rất nặng nề”
- Phụ nữ tham chính ngày càng nhiều. Nhưng dường như đang có sự “lệch pha” giữa cơ quan dân cử và cơ quan hành pháp. Theo bà, có thể lý giải điều này như thế nào?
Hiện nay, chúng ta đã áp dụng một biện pháp được nhiều nước áp dụng là luật hóa tỷ lệ tối thiểu nữ ứng cử viên ĐBQH và nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp, tức là đưa “cô ta” (quota) vào luật. Nhưng rõ ràng, để tăng được tỷ lệ phụ nữ tham chính không phải là dễ.
Sự “lệch pha” như bạn nói, theo tôi, chủ yếu là vì tính đại diện trong QH, trong cơ quan dân cử nên việc bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên, tỷ lệ nữ ĐBQH sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, UBTVQH Khóa XIII rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới trong các dự án luật, pháp lệnh. Thậm chí, có đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban còn chủ động nhắc tôi là cần phải xem dự án luật này, dự án luật kia, có vấn đề về giới đấy. Trong ĐBQH, không chỉ nữ đại biểu mà nhiều nam đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề về bình đẳng giới. Tức là nhận thức về giới và lồng ghép giới, về bình đẳng giới trong QH, theo tôi đã có sự thay đổi rất lớn. Ủy ban Về các vấn đề xã hội được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định là cơ quan thẩm tra vấn đề lồng ghép giới trong các dự thảo luật, pháp lệnh nên bao giờ cũng chủ động thực hiện nhiệm vụ này và khi gửi báo cáo sang cơ quan chủ trì thẩm tra thì đều được tiếp thu.
Còn bên Chính phủ, tôi nghĩ, có thể, trong quan niệm của nhiều người, cơ quan hành pháp thích hợp với nam giới hơn nữ giới nên nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ nữ bộ trưởng còn khiêm tốn chăng? Hơn nữa, công việc, trách nhiệm của một bộ trưởng cũng rất nặng nề. Không phải người phụ nữ nào cũng có thể chịu được những sức ép mà vị trí này mang đến.
- Dự kiến cơ cấu nhân sự giới thiệu để QH bầu, phê chuẩn làm thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIV khó có thay đổi mang tính đột phá nào. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
- Năm 2014, QH thảo luận và thông qua Luật Tổ chức Chính phủ, các ĐBQH đã biểu quyết với sự nhất trí rất cao về việc đưa “bình đẳng giới” vào nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Chính phủ. Đúng là, cơ cấu Chính phủ hiện nay chỉ có 1 nữ bộ trưởng trên tổng số 27 thành viên là quá ít, chưa bảo đảm nguyên tắc của luật. Điều này cũng gây tâm lý lo ngại rằng, có thể, những vấn đề mà phụ nữ thường hay quan tâm hơn như xã hội, giáo dục, văn hóa, y tế, gia đình, trẻ em… sẽ không được Chính phủ quan tâm đúng mức. Tôi chia sẻ với những băn khoăn đó. Tuy vậy, chuẩn bị nhân sự là một quá trình lâu dài. Tôi nghĩ, về phía Chính phủ, bản thân các đồng chí lãnh đạo Chính phủ cũng mong muốn có một tỷ lệ nữ bộ trưởng cao hơn nhưng việc chuẩn bị nhân sự, nguồn cán bộ nữ mới đạt được mức độ như hiện nay.
ĐBQH biểu quyết tại Hội trường (Ảnh: Quang Khánh)
Quốc hội và Chính phủ cùng phải thúc đẩy
- Theo bà, việc có ít nữ giới trong cơ cấu của Chính phủ có tác động gì đến hiệu quả hoạt động của Chính phủ hay không?
Khi đã luật hóa nguyên tắc bình đẳng giới thì tức là cần thiết phải có nữ trong cơ cấu Chính phủ. Và việc có ít hoặc thiếu vắng nữ cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Chính phủ.
Tính đến tháng 1.2015, trên thế giới có 19 người đứng đầu Chính phủ hoặc Nhà nước là phụ nữ, tăng hơn 2 lần so với năm 2005 (chỉ có 8 người); nữ Bộ trưởng là 17,7% vào năm 2015, tăng so với năm 2005 (14,3%); trong đó, có 30 quốc gia có tỷ lệ nữ bộ trưởng chiếm hơn 30% trở lên trong cơ cấu Chính phủ như Phần Lan, Pháp, Capve, Thụy Điển… Hiện tại, Việt Nam không nằm trong danh sách 8 nước trên thế giới không có thành viên Chính phủ là nữ nhưng tỷ lệ nữ bộ trưởng của chúng ta đang thấp hơn mức trung bình của thế giới. Nếu không quan tâm sâu sắc hơn đến vấn đề cơ cấu nữ trong Chính phủ thì nước ta cũng rất dễ “lọt” vào danh sách 8 nước này. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh |
Thực tế, các nước trên thế giới, phụ nữ hay được bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực được gọi là “mềm” như văn hóa, giáo dục, y tế, dân số... Nói như vậy không có nghĩa là các lĩnh vực “mềm” là “lãnh địa” riêng của nữ giới; hay những lĩnh vực “cứng” như tài chính, ngân sách, kinh tế… là “lãnh địa” riêng của nam giới. Không phải theo kiểu lĩnh vực này, “ghế” này là của nữ mà nam lại “chiếm mất” hay ngược lại, đây là lĩnh vực của nam mà nữ lại “nhảy vào”. Bộ trưởng là nam giới hay nữ giới thì điều quan trọng hơn vẫn là người đó có thông suốt về bình đẳng giới, luôn quan tâm và thúc đẩy bình đẳng giới cũng như các vấn đề mà phụ nữ quan tâm hay không? Có khi nam giới nói về bình đẳng giới, nói về những mối quan tâm của chị em cũng rất lay động và hiệu quả. Tuy vậy, tôi cũng hy vọng, đồng chí Thủ tướng, với quan điểm về bình đẳng giới và trước thực tế nhân sự trong Chính phủ đang mất cân đối như vậy, thì tới đây, bằng hành động và quyền lực của mình, sẽ tác động để các vấn đề này được quan tâm thỏa đáng hơn.
Cơ cấu nữ trong Chính phủ bao nhiêu là hợp lý, thưa bà?
Về mặt hình thức, để bảo đảm bình đẳng giới thì, có bao nhiêu phần trăm nữ giới trong cơ cấu dân số thì phải có tỷ lệ tương ứng trong cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi nhắc đến tỷ lệ nữ tham chính, người ta hay đưa ra con số 30%. Tỷ lệ này xuất phát từ một nghiên cứu của Liên minh Nghị viện thế giới. Theo nghiên cứu của tổ chức này, để phụ nữ thực sự có tiếng nói trong nghị viện thì số lượng nữ nghị sĩ phải đạt khoảng 30% tổng số nghị sĩ. Con số này cũng được nêu ra trong Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 về mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ ở mọi nơi trên trái đất vì lợi ích của toàn nhân loại.
Các văn bản pháp lý, chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của nước ta liên quan đến vấn đề nữ giới tham gia hoạt động chính trị cũng đề ra mục tiêu trên dưới 30%. Nhưng để đạt được mục tiêu này, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong cơ cấu Chính phủ thì có lẽ cũng còn có thêm thời gian và công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ còn nhiều việc phải làm.
Các ĐBQH trao đổi bên hành lang kỳ họp (Ảnh: Quang Khánh)
- Trong khi chờ đợi một cơ cấu nữ như chúng ta mong muốn, theo bà cần làm gì để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị?
Trong điều kiện chưa chuẩn bị được nhiều ứng cử viên nữ để trình QH xem xét, phê chuẩn làm bộ trưởng ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIV tới, tôi mong rằng, Chính phủ mới sẽ quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới theo nguyên tắc vừa phải “cắt ngang” vừa phải “xuyên suốt”, tức là không phải chỉ có riêng bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới mà tất cả các thành viên Chính phủ đều phải quan tâm đến vấn đề này. Các cơ quan của QH, Nhóm nữ ĐBQH cũng phải “xắn tay” vào, cùng với Chính phủ thúc đẩy các vấn đề về bình đẳng giới và các vấn đề mà nếu như có nhiều nữ thành viên Chính phủ hơn thì sẽ được quan tâm hơn.
Xin cảm ơn bà!