Dân Việt

Chuyện khó tin: Giữa Hà Nội, 1 gia đình vẫn chạy ăn từng bữa vì có 14 đứa con

Thu Hường 18/07/2016 19:58 GMT+7
Trải qua cơn đau sinh nở 14 lần trong đời, người đàn bà 48 tuổi giờ khuôn mặt như đã ngấp nghé tuổi 60. Đông con, đói nghèo và bệnh tật..., câu chuyện tưởng xa xôi ấy lại ở ngay Hà Đông, Hà Nội.

Theo số liệu khoa học, khi phụ nữ đẻ thường, người mẹ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng một lúc. Mỗi lần sinh nở là một lần người phụ nữ đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Một lần sinh con, tổn hại biết bao nhiêu xuân xanh.

img

Ngay giữa Hà Nội, vẫn có gia đình đông tới 14 người con.

Thế mà ở ngay Hà Đông, Hà Nội, bà Đặng Thị Hải (48 tuổi, người làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông) đã hạ sinh liên tiếp những 14 người con. Tính ra, cứ khoảng 2 năm, người phụ nữ này lại sinh một em bé và tất cả đều sinh thường. 14 lần sinh thì có 3 lần chồng tự đỡ đẻ cho vợ và 7 lần bà... đẻ rơi ngoài lều. Sức "vượt cạn" đáng nể ấy khiến không ít người phải cảm thấy ngạc nhiên.

Chuyện mang thai, sinh nở rồi nuôi nấng một chốc 14 người con, ngay giữa Thủ đô này đúng là một chuyện lạ, khó tin nhưng hoàn toàn có thật.

Đàn con nheo nhóc, gia đình chạy ăn từng bữa

Nỗi đau sinh nở dường như đã làm thay đổi quá nhanh thể lực của bà Hải. Mới 48 tuổi mà nhìn bên ngoài, bà như đã ngấp nghé 60. Những nếp nhăn hằn rõ trên khuôn mặt, tóc đã bạc gần hết và tay chân gân guốc, gầy yếu. Bà Hải kể, thời gian trước bà bị bệnh nặng, không đi lại được. Trong suy nghĩ của người phụ nữ ấy, lúc nào cũng chỉ canh cánh nỗi lo không thể chăm sóc cho tất cả các con đến khi chúng thật sự trưởng thành.

img

Mới 48 tuổi nhưng sức khỏe bà Hải đã "xuống dốc" rất nhiều. Việc gia đình, thứ gì cũng đến tay bà làm. Từ quét dọn cho đến nấu nướng, giặt giũ.

Nói về cuộc đời mình, ánh mắt bà Hải trượt dài trên cánh đồng mênh mông nước trắng xóa. Số phận bà đã vất vả từ lúc sinh ra cho đến tận bây giờ. Khi đã đi qua cái dốc bên kia cuộc đời, vượt qua nỗi đau sinh nở, lúc các con bớt quấy khóc hơn một chút thì bà lại phải một mình, chịu đựng nỗi đau mất chồng, mất con.

1 năm trước, con gái út thứ 14 sinh năm 2013 bị mắc bệnh nặng mà qua đời. Sau đó, chồng bà cũng bị bệnh phổi, vừa mất cách đây không lâu. Gánh nặng gia đình, giờ đây, đè hết lên đôi vai người phụ nữ này.

img

Sân nhà chật chội, ngổn ngang quần áo, đồ đạc.

img

Nhiều người con của bà Hải thì còn quá nhỏ để hiểu hết sự khó khăn của gia đình.

img

Các bé có gương mặt ngây thơ và rất đáng yêu.

img

Chị em trong nhà rất thương nhau. Có chút quà bánh nào đều đợi chia nhau rồi mới ăn.

Sinh nhiều con đã đành, nhưng sức khỏe của các con bà đều khá yếu. Người con trai thứ 13 sinh năm 2011 bị bệnh nhược cơ, con trai lớn thứ 2 bị bệnh phổi, không làm được việc nặng.

Đông con, đói nghèo và bệnh tật... tất cả những điều được xem là tồi tệ ấy đều cùng lúc đổ ập lên gia đình bà Hải. Cảnh nheo nhóc cứ kéo dài từ đời bà sang đời các con. 6 người con đầu của bà đều đã sớm lập gia đình. Người con gái đầu sinh năm 1989, sau khi ly hôn chồng đã bỏ lại cho bà chăm nuôi một cô cháu gái nhỏ. Hai cậu con trai lớn đã lấy vợ sớm, trong đó con trai cả, vì sức khỏe yếu đuối nên vẫn phải cậy nhờ bà Hải đủ bề. Cậu con trai thứ cũng đã lập gia đình và sinh được 2 cháu. Cháu nội chỉ kém con út của bà vài tháng.

img

Thức ăn sẽ được nấu trong bếp củi thay vì nấu bằng gas hay than như nhiều hộ gia đình khác.

Bà Hải cho biết, mới đây, gia đình của con trai bà đã dọn ra ở riêng. Còn trước đó, hơn 20 con người gồm cả con, con dâu và cháu nội, ngoại đều ở chung với bà. Đông con, cháu nên người lạ mỗi khi đi qua, thường lầm tưởng đây là một nơi chuyên được thuê để... trông trẻ

"Đã phổ biến kế hoạch sinh nở nhưng chồng chị Hải không nghe!"

Sinh con đã khó và việc nuôi dạy con nên người càng khó hơn. Đông con và nền tảng gia đình cả 2 bên nội ngoại đều khó khăn khiến cuộc sống của nhà bà Hải cực kỳ bần cùng. Làng Cồ Bản vốn là mảnh đất buôn bán sắt, thép có tiếng. Các hộ gia đình ở đây đều rất khá giả, duy chỉ có bà Hải và các con là phải chạy ăn từng bữa.

Các con lớn của bà Hải đều đi làm thuê, làm mướn, ai thuê việc gì thì làm việc đó. Từ người con thứ 8 trở về sau đều đang đi học, không đủ sức lao động, mỗi lúc rảnh rỗi chỉ biết bắt cua, bắt tép, kiếm cái ăn qua ngày.

img

Cậu con trai thứ 8 tên là Tám đang đi bắt tôm ngoài ruộng. Nếu nhiều sẽ đem bán, ít thì mang về làm bữa tối cho cả nhà.

img

Trong lúc đó, bà Hải lại bận rộn với việc chuẩn bị cơm chiều.

img

Tắm cho các em xong, Tám lại quay ra nấu cơm phụ mẹ. Nồi cơm của gia đình to gấp mấy lần những chiếc nồi thông thường.

Cả gia đình bà hiện đang dọn một túp lều sống ngoài ruộng gần làng để chăn nuôi gà, bò và thủy sản kiếm sống. Tuy nhiên, khu vực này là đất thuộc dự án đã được quy hoạch nên dù đã bỏ không 10 năm nay, chính quyền thôn vẫn kiên quyết yêu cầu gia đình bà phải di dời. "Tôi lo lắm vì trong nhà chật chội, trẻ con thì đông. Hơn nữa thu hồi chỗ này, nhà tôi không biết lấy đất đâu mà chăn nuôi, trang trải cuộc sống".

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các con bà đều được miễn đóng học phí. Thế nhưng, tiền mua sách vở, quần áo cho các con đi học, đối với người mẹ nghèo này lại là một điều vô cùng khó khăn.

Khi được hỏi, có bao giờ bà Hải hối hận vì chuyện sinh nhiều con? Tôi thấy bà chợt lặng buồn hơn. Bà kể, khi sinh đến người con thứ 6, bà đã nghe theo sự vận động của Hội phụ nữ thôn, đến trạm y tế để triệt sản nhưng đúng lúc đó, chồng bà lại đến la hét, chửi bới cả cán bộ y tế, rồi lôi tay bà về khiến bà vô cùng xấu hổ.

img

Bé Sáng, con gái thứ 12 có gương mặt rất xinh đẹp.

img

Cậu bé Nhân, con trai thứ 13 thì luôn vui vẻ, rất hay cười.

img

Các chị em gần sát tuổi nhau nên rất thân thiết.

img

Các em ít khi buồn.

img

"Sau lần đó thì ông ấy cấm tuyệt đối chuyện phòng tránh, triệt sản. Có lần mang thai, tôi cũng nghĩ hay là đi bỏ nhưng thực sự không đành lòng, nghĩ dù sao nó cũng là giọt máu của mình. Thế nên, cứ có thai là tôi lại sinh".

img

Nói về hoàn cảnh gia đình bà Hải, chị Hoan (Hội trưởng hội phụ nữ thôn Cồ Bản) cho biết: "Hội phụ nữ đã rất nhiều lần khuyên can, giáo dục kế hoạch sinh nở nhưng vợ chồng chị Hải không nghe, đặc biệt là chồng chị ấy rất khó tính. Ông ấy nát rượu và tôi nghe nói là rất hay làm khổ vợ con".

Chị Hoan cũng chia sẻ, ngoài sự vận động từ chính quyền, bà con, lối xóm cũng thường khuyên nhủ chị Hải nhưng người phụ nữ này lại rất thẳng thắn từ chối. "Thậm chí tôi thấy nhiều người nói rằng khi họ mang quần áo cũ hay cái nọ, cái kia đến giúp đỡ thì chị Hải cũng từ chối không nhận. Chị ấy là người rất tự ái, không muốn người ta cười chê hay soi mói vì chuyện sinh nhiều con nên sau này, mọi người cũng giữ ý, rất ít khi nhắc đến chuyện đó".

img

Chị Hoan cũng không thể giải thích nổi vì sao cán bộ thôn không thể làm thay đổi suy nghĩ của vợ chồng chị Hải.

Khi tôi ra về, bà Hải vẫn đang bận rộn với bữa cơm chiều. Trong bữa ăn hôm nay có món rau xào lấy từ ngoài ruộng và thịt rang cùng cơm trắng. Nhà đông con nên nồi cơm cũng to hơn, thức ăn phải mua nhiều hơn nhưng số thức ăn ấy đem chia cho hơn 10 con người đang tuổi ăn, tuổi lớn, có lẽ sẽ chẳng được là bao!