Ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Bên hành lang Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 18.7, báo chí đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hạnh Phúc: Sau vụ bác tư cách đại biểu với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, công tác rà soát tư cách đại biểu còn được tiến hành nữa không.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Việc rà soát là đương nhiên từ nay đến hết nhiệm kỳ Quốc hội. Nếu như xác định có trường hợp nào vi phạm, ví dụ như trường hợp bà Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga đã là ĐBQH nhưng trong quá trình hoạt động phát hiện có sai phạm, Quốc hội sẽ tiến hành bãi miễn tư cách đại biểu".
Theo ông Phúc, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, cho phép Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách đại biểu của những người trúng cử ĐBQH trước khi kỳ họp thứ nhất diễn ra. Theo Luật cũ phải đợi đến khi Quốc hội khóa mới bước vào kỳ họp thứ nhất mới xác định tư cách đại biểu của những người trúng cử, nếu xảy ra trường hợp như bà Hường, ông Thanh vấn đề sẽ phức tạp.
Nói rõ hơn về trường hợp của bà Nguyệt Hường, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Việc cơ quan chức năng thông báo việc bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường nhập quốc tịch Malta làm chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và ngay lập tức Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp khẩn cấp và bà Nguyệt Hường cũng có đơn xin rút. Sau đó tôi mới tìm hiểu và biết Malta là đảo quốc nhỏ ở Châu Âu và muốn nhập quốc tịch vào chỉ cần đầu tư tiền.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chỉ cung cấp việc nhập quốc tịch nước khác của bà Nguyệt Hường mà chưa bổ sung thông tin nào khác. Hiện cơ quan chức năng vào cuộc việc gì thì tôi không biết. Còn bà Nguyệt Hường bị phát hiện vi phạm Luật Quốc tịch thì Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định bác tư cách đại biểu rồi", ông Phúc nói.
Về nội dung đơn xin rút làm ĐBQH khoá XIV của bà Nguyệt Hường, Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường chỉ viết xin thôi không làm ĐBQH nữa vì lý do xét thấy không đủ điều kiện.
Giải thích về quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam, ông Phúc cho hay Luật quy định rõ công dân nước Việt Nam chỉ có một quốc tịch được công nhận là quốc tịch Việt Nam. Khi công dân muốn có một quốc tịch nước ngoài thì phải xin thôi quốc tịch Việt Nam. Còn khi công dân ra nước ngoài, mà nước họ cho phép 2 quốc tịch, 3 quốc tịch hay 1 thì tùy nước đó.
Nói về quy trình giới thiệu người ra ứng cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định quy trình thì rất đúng, chỉ có điều người ứng cử khai đúng hay còn giấu điều gì đó. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, nếu biết thông tin bà này xin nhập quốc tịch Malta thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng xem xét, quyết định không công nhận tư cách đại biểu ngay trong cùng phiên họp thứ 7, chứ không phải tiến hành họp đột xuất phiên thứ 8. Thông tin về vi phạm của bà Hường, Hội đồng bầu cử quốc gia nhận được sau phiên họp thứ 7 ngày 15.7.
Về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh là do Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang giới thiệu. "Ở địa phương, ông Thanh cũng qua tất cả các vòng hiệp thương. Chỉ có thể đánh giá, quá trình khai hồ sơ ứng cử của ông này cũng không trung thực, không khai tất cả những việc mình đã làm như thế. Còn cử tri thì biết làm sao được những lắt léo, nhìn quá trình công tác thì tưởng ông này “kinh” lắm vì đã qua những chức vụ như thế, thăng tiến như thế", ông Phúc nói.