Dân Việt

Cắt xén chương trình

04/08/2011 13:22 GMT+7
(Dân Việt) - Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, kinh phí dạy nghề cho nông dân là kinh phí Nhà nước “hỗ trợ” chứ không phải bao cấp toàn bộ lớp học. Nhưng tại nhiều tỉnh, để có thể bao cấp toàn bộ, một số lớp học đã rút ngắn thời gian dạy nghề, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Học không đến nơi đến chốn

Tháng 6.2011, Phòng LĐTBXH huyện Việt Yên (Bắc Giang) tổ chức một lớp dạy nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến. Xã “xin” 200 chỉ tiêu thì được phân bổ tới 450 chỉ tiêu nhưng cắt thời gian học còn 1 tháng.

“Lớp học chỉ mở có 1 tháng, mới học lý thuyết đã gần hết thời gian. Bà con chúng tôi mong muốn học nghề bài bản, dù có phải bỏ tiền ra học nhưng đạt chất lượng cũng chấp nhận, còn hơn là học miễn phí mà không đến nơi đến chốn” - chị Nguyễn Thị Tình - học viên lớp học nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến nói.

img
Một lớp dạy nghề may ở Việt Yên, Bắc Giang.

Trao đổi với NTNN, bà Thân Thị Hường – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Việt Yên cho biết, năm 2011, huyện được giao 800 chỉ tiêu nhưng 100% các lớp đều bị rút ngắn chương trình từ 3 tháng xuống còn 1 tháng.

Lý giải về điều này, ông Bùi Thế Công – Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH Bắc Giang) cho biết, theo quy định hiện hành, mỗi một học viên khi tham gia học nghề nông nghiệp được hỗ trợ 870.000 đồng, phi nông nghiệp là 1.290.000 đồng, đó là chưa kể tiền ăn, đi lại (nếu thuộc diện gia đình chính sách).

Với mức chi phí hiện hành, để đào tạo 12.000 lao động/năm thì cần mức kinh phí tương đương là 15 tỷ đồng, tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang chỉ được cấp hơn 8 tỷ đồng nên muốn đảm bảo chỉ tiêu phải giảm thời gian đào tạo từ 3 tháng xuống còn 1 tháng.

Tương đương với thời gian rút ngắn, số tiết đào tạo từ 428 tiết cũng phải rút ngắn xuống còn 143 đến 150 tiết. Ông Công cũng cho biết, ngay từ đầu đã có báo cáo và đề xuất vấn đề này nhưng khi UBND tỉnh phê duyệt lại muốn số lượng đào tạo được nhiều hơn, trong khi kinh phí có hạn.

Cần mục tiêu cụ thể

Tại Đà Nẵng, UBND thành phố cũng vừa phân bổ hơn 9 tỷ đồng kinh phí chương trình mục tiêu để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 cho 4 đơn vị.

Tới thời điểm này, trên 21 nghìn lao động nông thôn đã được đào tạo nghề theo 3 mô hình thí điểm. Với các lớp dạy nghề nông nghiệp, nông dân được học bảo vệ môi trường, các quy định quốc tế về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm . Với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, tiêu chuẩn đặt ra là phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng của một số doanh nghiệp.

Ông Ngô Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang, cho biết, năm 2011, trong kinh phí 4 tỷ đồng phân bổ thì phần cho dạy nghề theo Quyết định 1956 chỉ có 450 triệu đồng. Chừng đó tiền, trung tâm chỉ có thể đào tạo nghề cho 450 học viên. Trong khi đó, huyện Hòa Vang vẫn còn hơn 20.000 lao động có nhu cầu học nghề trong năm này.

Tương tự, quận Ngũ Hành Sơn, đang có gần 5.000 hộ dân cần được đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề. Nhưng với 100 triệu đồng kinh phí phân bổ cho đào tạo nghề quận này giỏi lắm chỉ đào tạo được 100 lao động.

Về kinh phí cho hoạt động dạy nghề, ông Phạm Văn Luyện - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Tổng Cục Dạy nghề) khẳng định: “Kinh phí theo Quyết định 1956/QĐ-TTg được ghi rõ là kinh phí “hỗ trợ”.

Nếu các tỉnh đã chọn dạy nghề theo nhu cầu nhân lực địa phương, mà nghề ấy có kinh phí đào tạo lớn hơn mức được hỗ trợ thì UBND tỉnh, đơn vị mở lớp và ngay cả người học phải có trách nhiệm tạo nguồn, đóng góp để lớp học đảm bảo đủ thời lượng, chương trình, đạt chất lượng”.

Tuy nhiên, điều này xem ra rất khó, khi mà ngay cả những người triển khai Quyết định ở cấp tỉnh, huyện đều mặc nhiên coi việc mở lớp dạy nghề cho nông dân được bao cấp 100%.