Không có đất sản xuất, vợ chồng anh phải đi đào đất, cắt lúa, gánh nước tưới cây màu thuê...
Năm 1994, dành dụm được 500 nghìn đồng và nhờ người quen thương tình cho mượn 2.000m2 đất thu hoạch vụ lúa mùa, vợ chồng anh trồng dưa hấu. Thấy vợ chồng anh chịu khó, bà con thương tình bán nợ cho anh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Vụ dưa hấu năm đó, vợ chồng anh thu được 8 tấn trái, bán 2.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 12 triệu đồng.
Anh Thạch Bal bên vườn cây cho thu nhập cao của mình. |
Năm 1996, qua Trà Vinh, thấy nhiều chuồng dơi muỗi cho thu nhập khá, anh học hỏi cách nuôi dơi. Về nhà, anh xây chuồng dụ dơi muỗi; đồng thời đến các chùa Khmer xin lá thốt nốt treo giàn. Không phụ lòng anh, dơi muỗi về chuồng ngày càng nhiều, có lúc cao điểm, một ngày cho hơn 2 giạ phân dơi. Phân dơi vừa bón lúa, dưa hấu, mà vẫn còn dư để bán cho bà con trong vùng bón cho cây ăn quả.
Tiền bán dưa hấu, anh dành dụm mua 10 công ruộng. Có ruộng, anh đăng ký đi tập huấn kỹ thuật canh tác lúa kết hợp trồng màu do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. "Từ ngày xây chuồng dơi muỗi, lượng phân hoá học sử dụng ít hơn mà năng suất lúa, màu không giảm, nên lợi nhuận cao hơn" - anh Thạch Bal cho hay.
Giờ đây, vợ chồng Thạch Bal đã có 20 công ruộng sản xuất lúa 2 vụ kết hợp với trồng màu, ao nuôi cá kết hợp trồng sen, trên bờ bao, anh trồng bưởi Năm roi và xây một chuồng nuôi dơi. Với mô hình này, mỗi năm đem về cho vợ chồng anh trên 140 triệu đồng.
Với thành quả này, nhiều năm liền, gia đình anh Thạch Bal được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Sóc Trăng.
Phương Nghi